Nhờ tham khảo qua báo đài, thăm quan một số mô hình nuôi thủy sản quanh vùng, ông quyết định chọn con cá bông lau để chuyển đổi. Ông Binh tận dụng diện tích quanh nhà đào 3 ao nổi. Năm 2018 gia đình ông thả nuôi hơn 200.000 con. Sau hơn 1 năm thả nuôi hiện gia đình đang chuẩn bị thu hoạch. Bình quân mỗi con có trọng lượng từ 1,2 - 1,5 kg, với giá bình quân 130.000 đồng/kg, ước gia đình thu vào hơn 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Binh cho hay nuôi loài cá này tốn ít công chăm sóc.
Ngoài ra, gia đình ông còn thả nuôi hơn 200 nghìn con cá giống để bán cho các hộ có nhu cầu với giá trên 20.000 đồng/con. Ông cũng chia sẻ do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên năm đầu tiên tỉ lệ hao hụt cao, tuy nhiên ông lưu ý thời gian đầu - lúc cá còn nhỏ nên nuôi trong các thùng lớn thoáng mát, tránh cá bị cọ sát gây hao hụt. Mặc dù đem cá giống từ sông về nuôi trong ao nhưng chất lượng thịt cá cũng giống với cá lớn lên ngoài tự nhiên. Mùa sinh sản cá giống bông lau xuất hiện nhiều vào tháng 11 năm trước đến sang tháng 3 năm sau. Với kinh nghiệm của mình, ông chia sẻ cách nhận diện cá bông lau và cá tra bần, theo đó, cá bông lau có lưng và đầu màu xanh nhạt, có phần bụng màu trắng, phần đuôi vàng và viền đuôi hơi tím; còn cá tra bần thì lưng, vây, đuôi đều màu vàng.
Cá bông lau là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là hướng đi mới đầy hứa hẹn cho người dân nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển Trà Vinh.