Nông dân xã Tân Lập nói chung và gia đình ông Truyền nói riêng vốn có truyền thống, kinh nghiệm nuôi thả các loại cá truyền thống như cá trắm, cá chép, cá mè, cá trôi, cá rô... Các loại cá này tuy dễ nuôi nhưng cho giá trị kinh tế chưa cao. 4 năm trước, vô tình biết đến một mô hình nuôi cá chuối hoa hiệu quả của nông dân ở tỉnh ngoài, ông Truyền tò mò và bắt đầu tự tìm hiểu về con cá chuối hoa thông qua sách, báo, mạng internet.
Chưa thỏa mãn, ông khăn gói lên đường, đến các trang trại, hộ nuôi cá chuối hoa ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa để học hỏi kỹ thuật nuôi thả. Ông còn tham gia các hội nhóm nuôi cá nước ngọt, nuôi cá chuối hoa trên mạng xã hội nhằm học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi loại cá này. Tình yêu, đam mê với cá chuối hoa ngày càng lớn dần trong ông. Năm 2018, ông quyết định đầu tư 700 triệu đồng quy hoạch, xây dựng, cải tạo toàn bộ 3 ao nuôi của gia đình, tổng diện tích gần 3.000m2 để nuôi cá chuối hoa.
Ông Truyền cho biết: Cá chuối hoa hung dữ, con cá lớn sẽ ăn con cá nhỏ hơn, bất kể là cá cùng loài hay khác loài, vì thế mỗi ao nuôi, tôi thả đồng loạt 1 lứa cá, ở cùng thời điểm. Cá chuối hoa rất phàm ăn nhưng ngược lại cũng khó tính. Thức ăn của cá chuối hoa chủ yếu là cá biển tạp.
Tuy nhiên, để đề phòng những hôm biển động không thể mua được cá tạp, cá chuối hoa phải ăn cám công nghiệp, tôi xay cá biển tươi trộn với cám, tập cho cá chuối hoa ăn từ khi còn nhỏ; phải kiên trì rất nhiều lượt, như tập cho trẻ ăn dặm, cá chuối hoa mới quen ăn cám. So với ăn cám công nghiệp, cá chuối hoa ăn cá tạp sẽ cho chất lượng sản phẩm cao hơn, nhanh lớn và chi phí rẻ hơn, vì vậy chỉ khi biển động, không thể mua cá tạp tôi mới buộc phải sử dụng cám công nghiệp cho cá ăn. Tôi tập cho cá phản xạ ăn mồi, như cho ăn ở khung giờ cố định, ở khu vực ao cố định, ra tín hiệu vỗ tay khi cho cá ăn, giúp cá phát triển đồng đều, không bị đói, hạn chế tối đa thức ăn bị dư thừa.
“Do cá chuối hoa ăn nổi, khi thức ăn dư thừa chìm xuống đáy ao nuôi dễ gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá bị bệnh nhiễm trùng mỏ neo. Để bảo đảm nguồn nước an toàn cho cá, tôi đầu tư hệ thống đường ống chạy dài 1km để lấy nước từ sông Hồng vào ao, tiến hành thay 50% lượng nước ở mỗi ao nuôi hàng ngày. Ngoài ra, tôi sử dụng chế phẩm sinh học để khử trùng, làm sạch nước ao. Nguồn nước sạch là yếu tố quyết định nuôi cá chuối hoa thành công hay thất bại, nếu ao tù, nước đọng thì không thể nuôi được cá chuối hoa” - ông Truyền chia sẻ kinh nghiệm.
Từ lúc nuôi thả là loại cá hương (khoảng 1.000 con/kg), sau 7 - 8 tháng nuôi thả, cá chuối hoa có thể cho thu hoạch, trọng lượng đạt 1 - 1,2 kg/con. Cá chuối hoa của gia đình ông Truyền và nông dân trong nước nuôi có chất lượng cao hơn hẳn so với cá chuối hoa nhập từ Trung Quốc, vì vậy giá bán cao, đạt 80.000 - 95.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi, rộng mở.
Năm 2019, 2020, gia đình ông Truyền thu hoạch được hơn 6 tấn cá chuối hoa/năm, trừ chi phí đầu tư thu lãi trên 250 triệu đồng/năm. Năm 2021, ông Truyền tăng mật độ nuôi thả cá, hiện đang nuôi thả 20.000 con, phấn đấu thu hoạch 15 - 17 tấn cá chuối hoa. Ước tính trên cùng đơn vị diện tích nuôi thả, cá chuối hoa cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần các loại cá truyền thống.