Ông Hoàng Văn Hợp là hộ nông dân có truyền thống nuôi cá lồng được hơn 10 năm, khi có thông tin phổ biến về mô hình, ông mạnh dạn đăng ký tham gia và được lựa chọn với đối tượng nuôi là cá lăng. Ông Hợp đã được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật như: Tu sửa hoặc làm lồng mới theo quy cách phù hợp; vệ sinh khử trùng lồng và khu vực nuôi; xác định vị trí đặt lồng...; chăm sóc nuôi dưỡng cá trong lồng bè; cách phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tại chỗ; biện pháp phòng trừ dịch bệnh gây hại cho cá; ghi chép nhật ký “Sổ theo dõi mô hình” làm căn cứ hoạch toán, truy xuất nếu có...
Ông đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng hệ thống lồng bè trên khu vực hồ Nà Tấu (xã Bế Triều) với thể tích 100 m3. Hệ thống gồm 2 lồng được thế kế theo hình chữ nhật, chia nhiều ô nhỏ. Lồng bè được thiết kế chắc chắn có thể di chuyển trên sông và hồ khi cần thiết. Cũng như các mô hình khác, gia đình ông được hỗ trợ 100% chi phí mua con giống, 50% chi phí thức ăn, thuốc và chế phẩm sinh học.
Nguồn giống của Trại cá giống Cù Vân (Chi cục Thủy sản Thái Nguyên), con giống khỏe mạnh, không dị hình, kích cỡ đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu (> 15 cm/con) và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản do cơ quan thú y cấp. Thức ăn sử dụng cho cá là thức ăn có hàm lượng protein > 30%, đảm bảo chất lượng. Mô hình có sử dụng men vi sinh BioWish 3PS nằm trong danh mục được phép sử dụng và lưu hành theo quy định của Bộ NN&PTNT. Trong quá trình nuôi, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở để theo dõi, hướng dẫn các hộ chăm sóc nuôi dưỡng đàn cá.
Chia sẻ về đặc tính của cá lăng, ông Hợp cho biết, đây là loài sống ở tầng đáy, ban đêm mới ngoi lên mặt nước để ăn nên khi đi cho ăn cũng vất vả, cùng đó là việc vệ sinh lồng nuôi hết sức khó khăn. Sau hơn 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá là 85%; trọng lượng trung bình 1 kg/con và năng suất 8,5 kg/m3. Dự kiến đến thời điểm nghiệm thu mô hình (tháng 12/2017), cá đạt trọng lượng trung bình khoảng 1,2 - 1,3 kg/con, năng suất > 10 kg/m3. Đặc biệt, nhờ áp dụng kỹ thuật nên sản phẩm cá lăng đảm bảo chất lượng thơm ngon, không có tồn dư kháng sinh, an toàn cho người tiêu dùng. Với giá bán trên thị trường khoảng 150.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu nhập trên 29 triệu đồng, trung bình thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng.
Bà Nông Thị Thúy, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng cho biết, nuôi cá lăng trong lồng bè lần đầu được thực hiện tại tỉnh nhưng qua hiệu quả bước đầu cho thấy mô hình hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa phương, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng. Mô hình mang lại giá trị kinh tế cao hơn so nuôi những loài cá truyền thống được người dân ưa chuộng như cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hiện Cao Bằng chưa sản xuất được con giống, phải đặt hàng dưới miền xuôi, quãng đường vận chuyển xa nên tỷ lệ hao hụt cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng nhân rộng mô hình.