Được biết toàn bộ số rùa quí hiếm trên đã chết được đối tượng Võ Văn Quang ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mua lại của nhiều tàu thuyền ở cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn sau đó dùng xe ô tô đông lạnh đưa vào miền Nam tiêu thụ. Trạm CSGT Đức Phổ và phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ công an tỉnh phát hiện bắt giữ.
Trước đó, ngày 12-11, tại bãi rác thuộc xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh, phòng CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ công an tỉnh phối hợp Sở tài chính, Chi Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và CTCP điện và môi trường huyện Sơn Tịnh đã tổ chức tiêu huỷ chôn 94 cá thể rùa biển đã chết. Hội đồng tiêu hủy đã đào hố chôn, dùng xăng đốt, đổ đất lấp kín hố.
Theo một người dân hàng ngày tìm phế liệu tại bãi rác cho biết: “Sau khi tổ chức tiêu huỷ mọi người ra về, thì một nhóm người trên xe đông lạnh quay lại. Họ đào hố và lấy số rùa đã chôn đưa lên xe ô tô đưa đi đâu không rõ”. Theo một số người làm việc tại bãi rác cho biết, các đối tượng đào hố lấy rùa là những người ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Thắc mắc về rùa biển đã chết thối tiêu huỷ nhưng tại sao nhóm người trên lại trộm đem đi tiêu thụ. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay nhu cầu về các sản phẩm từ rùa là rất lớn vì nhiều người cho rằng rùa có tác dụng làm thuốc, tăng ham muốn tình dục, đồ trang trí thẩm mỹ. Giới đại gia cho rằng rùa nhồi được đặt ở dưới móng nhà để mang lại may mắn, đeo các sản phẩm làm từ rùa giúp chữa bệnh huyết áp thấp. Riêng mai rùa hiện nay có giá trị cao, một mai rùa lớn có giá trên 4 triệu đồng để làm vật trang trí.
Cách đây không lâu, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 2 Quảng Ngãi bắt 7 tấn cá nóc tại cảng Mỹ Á, thuộc xã Phổ Quang, huỵên Đức Phổ. Vài ngày sau, Đội QLTT số 2 phối hợp CAH Đức Phổ bắt thêm trên 4 tấn cá nóc tại cảng Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh. Chính quyền địa phương, ngành chức năng tổ chức đào hố tiêu huỷ số cá nóc trên tại xã Phổ Thạnh. Tuy nhiên sau khi tổ chức tiêu huỷ chôn, ngay trong đêm nhiều người lén lút tổ chức khai quật hố chôn lấy trộm toàn bộ số cá trên.
Hố chôn rùa biển bị các đối tượng đào lên chỉ còn trống không (ngày 13-11)
Tiếp đó, CAH Đức Phổ và Đội quản lý thị trường bắt giữ 1,5 tấn cá nóc tại cảng Sa Huỳnh. Rút kinh nghiệm lần trước bị nhiều đối tượng lén đào hố trộm cá nóc, UBND huyện Đức Phổ quyết định tổ chức tiêu huỷ và đào hố chôn cách xa cảng Sa Huỳnh gần 40 km tránh người dân khai quật. Tuy nhiên, nhiều người ở xã Phổ Thạnh vẫn liều lĩnh sử dụng ô tô ra Phổ Quang khai quật hố chôn lấy cá. Lực lượng công an và chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện bắt giữ xe ô tô trên.
Theo một cán bộ của CTCP điện và môi trường huyện Sơn Tịnh phụ trách bãi rác xã Tịnh Thiện cho biết, thông thường khi các ngành chức năng tổ chức tiêu huỷ hàng cấm, đặc biệt là động vật chết tại bãi rác Tịnh Thiện. Sau khi tiêu huỷ chôn, thành phần Hội đồng tiêu huỷ ra về, nhiều người đã đợi sẵn “khai quật” lấy những thứ đã tiêu hủy chôn.
Theo một cán bộ Đội QLTT số 2 Quảng Ngãi cho biết: “Các đối tượng chuyên thu mua các nóc độc hại rất manh động. Do lợi nhuận thu lại từ loại cá chết người này nên họ bất chấp. Nhiều lần tổ chức tiêu huỷ, họ lại lén lút đào lấy lại số cá chết thối. Nguy hiểm khôn lường khi số nóc độc hại chết thối trôi nổi ngoài thị trường”.
Việc nâng cao nhận thức, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua rùa biển qúi hiểm cũng như cá nóc độc hại cần sự đồng loạt ra quân các ban ngành, địa phương. Cần mạnh tay xử lý nghiêm khắc những hành vi trộm động vật chết thối, độc hại đã tiêu huỷ. Có như thế an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân mới đảm bảo.