Giá cước tàu biển bất ngờ giảm phân nửa đang tạo ra thuận lợi không nhỏ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có thuỷ sản. Giá cước vận tải giảm không hoàn toàn do giá xăng dầu thế giới giảm, mà còn ảnh hưởng bởi yếu tố kinh tế các nước châu Á (trong đó có Trung Quốc) gặp khó khăn…
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp, cho biết so với cách nay một tháng, cước vận chuyển hàng thuỷ sản bằng tàu biển đi Singapore giảm 300 USD/container 40 feet, còn 500 USD. Cước tàu từ Việt Nam đi các nước châu Âu còn giảm kỷ lục hơn, từ 2.200 USD/container giảm còn 1.000 USD. Hay đi Mỹ và một số nước khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ cũng giảm phân nửa, từ 4.000 USD/container xuống còn trung bình 2.000 USD. Theo vị giám đốc trên, sau khi nghe thông tin từ một số khách hàng thông báo giảm giá cước, công ty đã cho rà soát lại toàn bộ thị trường xuất khẩu và nhận thấy giá cước ở hầu hết các tuyến đầu giảm khá mạnh. Tính ra, mỗi ký cá tra xuất khẩu tiết kiệm được khoảng 4 cent cước vận chuyển, số tiền này bằng với khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp phải nỗ lực mới có được.
Theo tìm hiểu của TGTT, các hãng tàu lớn có lý do để đưa ra chính sách thu hút khách hàng bằng cách giảm giá cước vận. Các hãng tàu cho rằng chính sách giảm giá cước mà họ đang áp dụng không hoàn toàn chịu tác động bởi yếu tố giá dầu thế giới giảm, mà còn do kinh tế các nước châu Á đang rơi vào khó khăn nhất định. Chẳng hạn tại thị trường Trung Quốc, hàng hoá xuất khẩu đang trở nên khó khăn hơn. Các cảng biển đang dư thừa một lượng lớn container lạnh sau khi chúng được sử dụng để nhập thực phẩm từ nước ngoài về tiêu thụ nội địa. Trước đây, khi quay lại, số container này sẽ vận chuyển hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu đi các nước, tuy nhiên từ đầu năm đến nay tình hình xuất khẩu không còn suôn sẻ như trước. Để tránh lãng phí chở công rỗng quay trở lại châu Âu, Mỹ và các thị trường khác, các hãng tàu buộc phải hạ giá nhằm thu hút khách hàng và các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi từ những biến động này.
Đánh giá về xuất khẩu thuỷ sản các tháng cuối năm, Vasep nhận định tình hình thị trường đang có nhiều thuận lợi để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. Hai yếu tố cước tàu và tỷ giá biến động thời gian gần đây sẽ là động lực quan trọng giúp hàng hoá thuỷ sản tăng khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, thường vào cuối năm là mùa tiêu thụ thuỷ sản lớn nhất trong năm ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước nên chắc chắn xuất khẩu cá tra, tôm, hải sản sẽ tăng tốc trong quý 4 và thậm chí cả năm 2016.
Tám tháng đầu năm 2015, giá hầu hết các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường đều rớt giá thê thảm. Trong đó, riêng mặt hàng tôm giảm tới 15 – 20%, cá tra khoảng 5 – 8%. Không chỉ giảm giá bán, việc các nước liên tục phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng tạo ra cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, điều này khiến sản lượng thuỷ sản giảm mạnh.
Theo thống kê của tổng cục Hải quan, tám tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 4,13 tỉ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu chính như EU, Hoa Kỳ, Trung Đông đều ghi nhận sụt giảm 2 con số. Theo hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), ngay từ đầu năm 2015, việc đồng nội tệ các nước như Nhật, châu Âu và khối Đông Âu, kể cả Nam Mỹ có những điều chỉnh nhất định ít nhiều gây tác động đến việc xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Ngoài những tác động từ chính sách tiền tệ, ngành thuỷ sản Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN và Ấn Độ, Trung Quốc, do khu vực này cũng điều chỉnh tỷ giá. Tình hình này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tám tháng đầu năm của Việt Nam. Vì thế, cùng với chính sách nới biên độ tỷ giá, ông Minh khẳng định việc cước tàu biển đang giảm mạnh sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản bớt khó khăn.