Chị Phạm Thị Mười, một trong những người chế biến khô da cá mập ở Tam Thanh, nói: “Thấy họ mua da thì bán chớ có biết họ làm gì!?”. Theo nhiều người, một con cá mập con, dài trên 1 m, đường kính thân nơi to nhất từ 20 - 25cm, sau khi xẻ thịt cho một lớp da dày phơi khô trọng lượng khoảng 300gr, hoặc hơn tùy theo việc lóc thịt.
Da cá mập khô thường nhám, màu trắng bạc, khá cứng. Có ba cách để làm da cá mập mềm đi, đó là rang lên hoặc nướng rồi ngâm nước lạnh trong một thời gian nhất định (tùy theo miếng da dày mỏng), hoặc trụng qua nước sôi, rồi rửa lại bằng nước lạnh. Da cá mập cạo sạch lớp vảy nhám bên ngoài thì rất dẻo và dai.
Những người sành ăn thường cuộn tròn da lại rồi xắt nhỏ như cọng bún để trộn với các loại rau thơm, thịt ba rọi, hay thịt cá mập, làm gỏi. Người Trung Quốc, còn hầm da cá mập với giò heo và măng khô trong ngày tết. Gần đây, một số nhà hàng ở thị xã La Gi đã bắt đầu chế biến da cá mập. Hy vọng trong tương lai gần, La Gi sẽ có một món ăn lạ để giới thiệu với khách du lịch.