Việc một DN lớn, đang kinh doanh hiệu quả như MPC quyết định rút lui khỏi thị trường đã gây bất ngờ đối với không ít cổ đông và nhà đầu tư. Trước thềm Đại hội, ĐTCK đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Toán, phụ trách công bố thông tin MPC.
Phương án giải quyết quyền lợi của cổ đông sau khi hủy niêm yết được HĐQT MPC dự kiến ra sao, thưa ông?
Tại ĐHCĐ bất thường tổ chức vào ngày 4/1/2014, chúng tôi sẽ bàn chủ yếu về phương án giải quyết quyền lợi của cổ đông sau khi Công ty hủy niêm yết. Phương án đưa ra thảo luận là mua cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ.
Mức giá mua lại sẽ do ĐHCĐ thảo luận, chấp thuận, dựa trên mức giá đang giao dịch trên thị trường.
MPC từng có ý định bán 30 triệu cổ phiếu phát hành thêm cho đối tác Thái Lan là CP Foods, nhưng thương vụ đã không thành. Việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược đang được thực hiện đến đâu và mức giá dự kiến thế nào, thưa ông?
MPC là doanh nghiệp đầu ngành thủy sản, nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm và sẵn sàng trả giá cao hơn mức giá đang giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, do cổ phiếu MPC ít người bán ra, thanh khoản thấp và giá trên sàn chưa phản ánh đúng được giá trị thực của Công ty nên sẽ rất khó cho nhà đầu tư, vì khi mua giá cao hơn giá thị trường, nhà đầu tư sẽ phải ghi nhận ngay một khoản lỗ sổ sách. Có một số nhà đầu tư lại chỉ muốn đầu tư vào công ty chưa niêm yết.
Đây cũng là một trong những lý do Công ty quyết định hủy niêm yết để cùng hợp tác với các đối tác chiến lược, nhằm mục đích đưa Công ty phát triển hơn, không dừng lại ở quy mô doanh nghiệp trong nước mà hướng tới quy mô đa quốc gia.
Về giá bán, hiện tại, MPC chưa thể đưa ra được mức giá cụ thể, song dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với thị giá. MPC cũng vừa mới hoàn thành thương vụ phát hành riêng lẻ 30,8% cổ phần của công ty con Minh Phú Hậu Giang cho đối tác Nhật Bản là Mitsui.
MPC cũng đang trong quá trình tìm kiếm, đàm phán với đối tác để tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Công ty hiện chưa đặt nặng việc đối tác phải cùng ngành nghề hay không, vì mỗi đối tác đều có những ưu điểm riêng. Ví dụ như đối tác về tài chính có thể giúp MPC về mặt quản lý, tài chính…
Nhiều ý kiến cho rằng, MPC tính rời sàn vì thị giá cổ phiếu đang thấp hơn mong đợi và Công ty sẽ quay trở lại niêm yết với một mặt bằng giá cao hơn. Ông có lý giải gì về điều này?
Quyết định hủy niêm yết là xuất phát từ nguyện vọng của các cổ đông, việc có niêm yết trở lại hay không cũng sẽ do cổ đông quyết định. Bây giờ hãy còn quá sớm để nói về điều này.
9 tháng đầu năm nay, MPC đạt 160,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mới hoàn thành trên 50% so với kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHCĐ thông qua. Trong quý cuối cùng của năm, liệu Công ty có hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận còn lại hay không, thưa ông?
Với các chỉ tiêu kế hoạch đã thông qua trong năm 2013, như kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 465 triệu USD, 9.800 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 295 tỷ đồng, thì MPC có thể sẽ hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và doanh thu.
Về chỉ tiêu lợi nhuận, chúng tôi còn phải chờ các chỉ tiêu hợp nhất từ các công ty thành viên, nên xin phép không đưa ra dự đoán.
Một thông tin tích cực là mức thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là 0% và việc áp thuế chống trợ cấp đối với MPC đã được USITC (Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ) gỡ bỏ. Đây mà một lợi thế đối với MPC, bởi hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất đối với Minh Phú, chiếm hơn 34% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty.
Xuất khẩu tôm Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi giá tôm trên thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên, khó khăn đối với các DN xuất khẩu tôm là nguồn nguyên liệu đang bị thiếu hụt, khi có hiện tượng các thương lái mua tận thu tôm để bán sang Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của MPC có bị ảnh hưởng nhiều của hiện tượng này?
Do dịch bệnh EMS vẫn ảnh hưởng nặng nề không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, nên nguồn cung cấp tôm nguyên liệu bị thiếu hụt và đã xảy ra hiện tượng tranh mua. Hầu hết các DN chế biến tôm xuất khẩu đều bị ảnh hưởng vì thiếu nguyên liệu.
Nhiều Công ty phải đối mặt với việc bồi thường hợp đồng cho đối tác, nếu không có tôm xuất khẩu. Còn với MPC, Công ty cũng bị chậm đơn hàng của khách hàng và phải thương lượng lại với khách hàng.
Tuy nhiên, cũng nhờ uy tín của Công ty, sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên, sự trợ giúp, ủng hộ của nhà cung cấp, bạn hàng nên MPC mới đứng vững được trong tình hình khó khăn này.
Với nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn, MPC sẽ đưa ra phương án kinh doanh trong năm 2014 ra sao, thưa ông?
Hiện Công ty đang tính toán để xây dựng chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2014. Chúng tôi dự kiến sẽ đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm tới tăng trưởng từ 15 - 20% so với năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch cuối cùng là do ĐHCĐ quyết định.