Nuôi là lỗ
Chạy ca-nô từ đất liền ra đảo, chúng tôi ngạc nhiên khi hàng nghìn lồng tôm đã thu hoạch nhưng người nuôi không thả tôm mới và gác trên bè. Trong khi đó, còn hàng trăm lồng tôm thịt đã đến tuổi xuất bán từ lâu nhưng vẫn chưa thể tiêu thụ. Một bầu không khí trầm lắng bao trùm hòn đảo xinh đẹp này, bởi hầu hết những người nuôi tôm hùm đều thua lỗ.
Chỉ về những lồng tôm phơi khô trên bè, ông Diệp Chấn Hùng (thôn Bình Ba Tây) than: “Tôi nuôi tôm ở đảo này từ năm 2001 đến nay nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này. Tôm thịt giá vừa thấp, vừa khó bán. Trong khi đó, tôm giống lại khan hiếm, tăng giá, tỷ lệ hao hụt cao”. Được biết, nhà ông Hùng nuôi 40 lồng tôm xanh; mọi năm giá hơn 700.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi năm lời trên dưới 20 triệu đồng/lồng. Tuy nhiên, năm nay giá tôm có thời điểm chỉ còn 400.000 đồng/kg, lỗ khoảng 10 triệu đồng/lồng. Từ đầu năm đến nay, ông Hùng đã bán được 25 lồng tôm nhưng vẫn lỗ hơn 300 triệu đồng. “Tôm nuôi đã đạt trọng lượng từ sau Tết, nhưng do không tiêu thụ được nên tôi cầm cự nuôi mấy tháng nay. Cứ tính trung bình mỗi lồng tôm một ngày hết 2 triệu đồng tiền thức ăn là biết thiệt hại lớn như thế nào. Càng gồng thì càng lỗ, để lâu thì tôm già sẽ chết dần hoặc mang trứng, không ai mua”, ông Hùng buồn rầu nói.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Thi (thôn Bình Ba Đông) nuôi 35 lồng tôm, do giá thấp, bán chậm, gồng nuôi… nên bị lỗ gần 600 triệu đồng. Mới đây, ông Thi bán hết được số tôm thịt tồn nhưng cũng treo lồng để đó. “Hầu hết tôm hùm xanh giống đều nhập từ Indonesia. Mọi năm đường bay thuận lợi nên giá tôm giống khoảng 20.000 đồng/con, hiện nay do dịch Covid-19 nên tôm giống nhập vào từ đường biển, đi lại khó khăn nên giá lên đến gần 50.000 đồng/con. Không chỉ giá cao, tôm đi đường biển về thả bị hao hụt rất lớn. Có hộ thả hao hụt 80%, có hộ chết trắng nên không ai dám thả nữa”, ông Thi cho hay.
Một lồng tôm hùm bỏ không trêm đảo.
Lãnh đạo UBND xã Cam Bình cho biết, vừa qua, hầu hết các hộ nuôi tôm đều lỗ, ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều thì trên dưới 2 tỷ đồng. “Điều đáng lo nhất là 90% hộ dân trên đảo sống bằng nghề nuôi tôm hùm, nhưng hiện nay do giá tôm thịt quá thấp, giá tôm giống quá cao và bị hao hụt lớn nên không hộ nào dám thả gối đầu. Thả nuôi thì cầm chắc lỗ vốn mà lồng để không thì hàu đóng, tốn tiền thuê người vệ sinh. Đời sống của người dân trên đảo thời gian tới chưa biết phải giải quyết theo hướng nào”, ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho hay.
Được biết, toàn xã Cam Bình hiện có hơn 8.000 lồng tôm, chủ yếu là tôm xanh, tập trung phần lớn ở đảo Bình Ba. Nếu giá tôm đạt khoảng 600.000 đồng đến 650.000 đồng/kg thì người nuôi tôm hòa vốn. Với giá tôm thịt hiện nay, cho dù tôm giống có thuận lợi người dân cũng không dám thả mới. Hiện trên đảo Bình Ba còn tồn khoảng 100 tấn tôm thịt, chủ yếu là tôm hùm xanh. Thương lái mới chỉ quay lại thu mua khoảng 15 ngày nay. Trước đó, các hộ chủ yếu bán cho các nhà hàng hoặc đóng thùng bán đi các địa phương khác như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên.
Nói về nguyên nhân khiến “đảo tôm hùm” rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay, ông Ân cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp khiến tôm hùm không thể xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thực tế trước dịch, tôm hùm đã có dấu hiệu tiêu thụ chậm do phía Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Về lâu dài, cần có giải pháp đảm bảo đầu ra ổn định cho mặt hàng tôm hùm để người nuôi yên tâm hơn.
Tìm hướng tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, dự báo thời gian tới xuất khẩu tôm hùm qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sẽ rất khó khăn. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, phía Trung Quốc đã siết chặt việc này và yêu cầu xuất khẩu tôm hùm qua đó phải theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, nếu đi theo đường chính ngạch thì các yêu cầu rất khắt khe, phải tuân thủ quy trình sản xuất tôm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi trong vùng quy hoạch của chính quyền… Vì vậy, về lâu dài, người nuôi tôm hùm ở Bình Ba cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo yêu cầu.
Giá tôm hùm giảm mạnh khiến người nuôi bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa cũng cho hay, những năm qua, tôm hùm Khánh Hòa chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, đầy bấp bênh và thiếu ràng buộc. Thời gian tới, khi hàng rào kỹ thuật được nâng lên, xuất khẩu tôm hùm của tỉnh chủ yếu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Việt, để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, ngoài đòi hỏi về định vị vùng nuôi và an toàn sinh học, đơn vị xuất khẩu tôm hùm phải là doanh nghiệp nằm trong danh sách được phép xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Danh sách này là thỏa thuận giữa cơ quan chức năng của 2 nước. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung hướng dẫn người nuôi tôm các yêu cầu, quy định để đạt yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đối với các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn cũng tập trung hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu theo yêu cầu từ thị trường xuất khẩu.