Dọc theo tuyến đê các cánh đồng muối từ xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) đến xã Điền Hải, Long Điền Đông (huyện Đông Hải), vào những ngày này, diêm dân bắt tay vào công việc làm muối như lăn sân, bơm nước vào ruộng, cào muối. Thỉnh thoảng xuất hiện những tu muối trắng tinh, hoặc những tu muối trắng đục, muối đen vừa được cào, gom lên từ ruộng muối.
Anh Trần Thanh Quang (xã Điền Hải) cho biết: “Năm nay nắng nhiều nên muối trúng mùa, được giá, diêm dân rất vui. Ước tính, sau khi trừ chi phí, bà con lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ”.
Theo Sở NN&PTNT, vụ muối 2019 - 2020, diêm dân Bạc Liêu sản xuất 1.670ha muối (trong đó có hơn 72ha muối trải bạt), sản lượng ước đạt 50.000 tấn (trong đó có khoảng 4.700 tấn muối trắng). Năm nay nắng kéo dài, nhiệt độ cao, là điều kiện tốt cho sản xuất muối. Giá muối đen được thương lái mua tại ruộng từ 800 - 900 đồng/kg, muối trắng từ 1.200 - 1.400 đồng/kg. Với giá này, diêm dân lãi 35 - 45 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, dù giá muối tăng so với trước, nhưng Bạc Liêu tiếp tục khống chế diện tích sản xuất muối; đồng thời khuyến khích diêm dân chuyển một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập ổn định.
Theo các nhà khoa học, muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, kết tinh rắn chắc, không gây vị đắng như muối ở các tỉnh, thành khác. Vì vậy, muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm được đưa vào thị trường Nhật và nhiều thị trường khác trên thế giới. Để nâng cao giá trị hạt muối Bạc Liêu, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương đã yêu cầu: Các sở, ban ngành của tỉnh cũng như UBND huyện Đông Hải cần xây dựng thương hiệu bền vững cho muối Bạc Liêu; nghiên cứu và khai thác, phát triển du lịch cộng đồng về các ruộng muối để vừa giúp quảng bá thương hiệu muối của tỉnh, vừa giúp diêm dân có thêm nguồn thu nhập. Đặc biệt là phải tính đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm để bà con không bị động về giá, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là những chỉ đạo sâu sát sau chuyến tìm hiểu tình hình thực tế hoạt động nuôi trồng thủy sản và làm muối ở huyện Đông Hải của lãnh đạo tỉnh vừa qua.
“Đề án tái cơ cấu ngành muối Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; đề ra mục tiêu đến năm 2020 tổng diện tích sản xuất muối đạt 2.500ha (trong đó, diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 500ha); đến năm 2030 diện tích sản xuất muối đạt 2.400ha (trong đó, diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 1.000ha); sản lượng đạt 200.000 tấn (trong đó, sản lượng muối trắng sản xuất truyền thống 50.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng muối và muối trắng trải bạt 100.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng muối).
Để hoàn thành mục tiêu này và giúp diêm dân làm giàu từ hạt muối, Bạc Liêu sẽ phát triển ngành muối theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và chế biến để phát triển ngành Muối theo hướng công nghiệp, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của diêm dân.