Không phải người nuôi tôm trái vụ nào cũng có thu hoạch. Ảnh: N.H
Càng thả càng chết
Ông Nguyễn Minh Chánh ở xã Long Điền Đông A (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) có 2 ha nuôi tôm. Năm nay ông quyết định thả sớm hơn mọi năm do giá tôm nguyên liệu đầu vụ cao; và còn vì nôn nóng muốn gỡ gạc lại thất bát vụ trước. Vừa mới qua Tết Nguyên đán vài hôm, ông Chánh thả 3 ao nuôi. Không ngờ chỉ hơn tháng, tôm đâm đầu vào bờ chết hết. Sau khi cải tạo ao đầm, ông tiếp tục thả nuôi lại. Cơn bão vừa qua mưa nhiều rồi trời khô hanh nắng nóng khiến cho 3 ao thả mới của ông cũng chết sạch. Chép miệng, lắc đầu ông Chánh than: “Tôm chết hoài tui muốn chết theo luôn. Tiền giống không đáng kể, thức ăn cũng chưa tốn nhiều nhưng tiền cải tạo ao, xử lý nước trên 50 triệu đồng coi như đi theo con nước lớn ròng”.
Tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu) - nơi có đến 2.500 ha diện tích nuôi tôm theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp - hiện vắng hoe do nông dân không buồn ra vuông tôm. Ông Trần Thanh Sơn cho biết: “Tui đi tong hết 6 ao rồi. Hiện Chi cục Nuôi trồng khuyến cáo không nên thả vì nguồn nước ô nhiễm nên thôi, đợi đến khi thời tiết ổn định lại mới dám thả nuôi”.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có đến 3.214 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Địa phương có diện tích thiệt hại nhiều là TP.Bạc Liêu, 2 huyện Hòa Bình và Đông Hải. Con số thiệt hại lên đến trên 50 tỉ đồng.
Tại Cà Mau tình trạng tôm chết ngay đầu vụ đã được Sở NNPTNT cảnh báo từ cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, riêng trong tuần qua, tỉnh này có đến 260 ha tôm nuôi bị bệnh, nâng tổng số diện tích thiệt hại lên đến 5.800 ha. Sóc Trăng - tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất vụ tôm năm 2011 với trên 20.000 ha tôm nuôi bệnh, chết - năm nay dù Sở NNPTNT khuyến cáo người dân không được thả nuôi cho đến hết tháng 4, nhưng số hộ vẫn “làm nghịch” lên đến 1.200 ha tôm thẻ chân trắng; 2.000 ha tôm sú để rồi quá nửa diện tích này phải “thu hoạch sớm”. Tại Trà Vinh với trên 3.351 ha tôm nuôi bị thiệt hại, ước tổng số tiền thiệt hại lên đến 300 tỉ đồng.
Ngừng thả nuôi, xử lý nguồn nước
Trước tình hình tôm nuôi chết liên tục, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở NNPTNT hướng dẫn quy trình nuôi cho nông dân; đồng thời tạm ngừng thả nuôi mới. Ngành chức năng tỉnh này đã xuất 37 tấn chlorine giúp người nuôi tôm xử lý ao nuôi, nguồn nước; tránh thải ra môi trường gây ô nhiễm lây lan ra diện rộng. Giữa tháng 4, Bạc Liêu chính thức ban hành quy trình nuôi trên địa bàn. Tại những địa phương có nhiều diện tích tôm thiệt hại Chi cục Nuôi trồng thủy sản đề nghị nông dân ngừng thả tôm; đồng thời phải có ao lắng xử lý nước. Ông Phạm Hoàng Giang - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu - cho biết: “Tôm bị thiệt hại chủ yếu là bệnh teo gan, viêm tụy, đớm trắng, đầu vàng. Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân không được sử dụng thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc từ thuốc BVTV trong việc diệt giáp xác vì đây là mầm nóng để gây bệnh viêm gan tụy”. Sóc Trăng cũng chính thức đề nghị người nuôi tôm ngưng thả cho hết tháng 4 để tránh rủi ro. Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NPTNT Sóc Trăng - cho rằng thời tiết nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm tăng cao, nguồn nước bị ô nhiễm không phải là điều kiện nuôi tốt nhất ở thời điểm này.
Mới bước vào đầu vụ, mùa tôm 2012 đã ẩn chứa nhiều rủi ro bất trắc. Người nuôi tôm lại lo lắng hơn khi các nhà máy chế biến thủy sản đang kêu khó, đua nhau giảm giá thu mua nguyên liệu. Chưa bao giờ nghề nuôi tôm rơi vào tình cảnh như bây giờ!