Trong những chuyến công tác tại huyện Mường Tè, chúng tôi được thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ các loại thủy sản do người dân bản địa nuôi trên lòng hồ thủy điện. Mỗi loại cá có hương vị riêng nhưng đều chắc thịt và thơm ngon. Để hiểu thêm về phương thức nuôi cá lồng trên lòng hồ, chúng tôi tìm đến xã Kan Hồ. Anh Lỳ Chừ Lòng (bản Nậm Hạ A) cho biết: Ngày trước, cuộc sống của gia đình và dân bản chỉ dựa vào sản xuất lúa, ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi vùng lòng hồ tích nước, đất sản xuất bị ngập, được xã, huyện vận động, hỗ trợ, chúng tôi tham gia nuôi thủy sản. Toàn xã có 25 hộ dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi cá lồng. Trong đó, các đơn vị đầu tư lồng, thức ăn, bà con đảm nhận chăm sóc, lợi nhuận chia đôi.
Hiện, các hộ dân thuộc 2 xã: Mường Tè, Kan Hồ và thị trấn Mường Tè tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, còn các địa phương khác trong huyện cũng tận dụng nguồn nước từ sông, suối đào ao thả cá với diện 52,12ha. Đẩy mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn vận động người dân tham gia nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Theo đó, đã có 80 lồng được đầu tư, trong đó 60 lồng, trị giá 10 triệu đồng/lồng do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ nuôi các loại cá: chiên, lăng, chắm, chép và tôm trên diện tích 14.400m3 mặt nước. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) hỗ trợ 9.000 con cá lăng, chiên giống; doanh nghiệp đầu tư thuyền, nhà ở, thức ăn, lưới chắn, bà con tham gia chăm sóc, bảo vệ. Những hộ được hỗ trợ lồng thì tự đầu tư nuôi.
Trong quá trình thực hiện, cán bộ đơn vị chuyên môn huyện còn hướng dẫn bà con cách chăm sóc, đặc biệt đối với cá chiên, lăng cần môi trường nước trong, sạch, thức ăn phù hợp nên phải thường xuyên dùng dung dịch khử trùng môi trường nước giúp cá phát triển, khỏe mạnh. Ngoài nguồn thức ăn công nghiệp, các hộ dân còn tận dụng cỏ, lá chuối, ngô,... nuôi cá; chú trọng phòng chống dịch bệnh.
Qua thống kê của huyện, năm 2018, sản lượng thủy sản thu được đạt 183,5 tấn (trong đó sản lượng nuôi 110,8 tấn, đánh bắt 72,7 tấn), tăng 32,9 tấn so với năm 2017. Ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mô hình nuôi cá lồng đã triển khai thực hiện trên địa bàn huyện được 2 năm, mỗi năm đều đem lại nguồn thu lớn. Đơn vị sẽ nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng; tăng cường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con; vận động người dân chuyển hướng phát triển kinh tế sang nuôi trồng thủy sản; chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng với phát huy lợi thế từ trồng trọt và chăn nuôi đại gia súc, với những tín hiệu khả quan từ nghề nuôi trồng thủy sản, chắc chắn nông dân huyện Mường Tè sẽ có thêm nguồn thu nhập bền vững.