Theo ông Tạ Minh Bạch ở ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 cho biết, sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học nhưng lúa phát triển rất tốt, giá bán cao, ruộng nuôi tôm lại trúng hơn. Theo ông, vào Hợp tác xã được công ty bao tiêu, còn làm ăn riêng lẻ lúa sau khi thu hoạch rất khó bán.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học.
Làm lúa trên nền tôm tuy năng suất không cao bằng vùng chuyên sản xuất 2 lúa của huyện, nhưng hạn chế chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Điều quan trọng là cải tạo môi trường đất để nuôi tôm vụ sau được tốt hơn. Do đó mô hình tôm-lúa được nông dân 6 xã vùng trong của huyện Mỹ Xuyên duy trì từ nhiều năm nay. Theo ông Lê Hoàng Phủ, ấp Thạnh Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tuy cây lúa có thu nhập cao không bằng con tôm, ông cho biết thêm: "Lúa cũng là một trong các nguồn thu nhập chính giúp trang trải cuộc sống trong gia đình. Sắp tới, gia đình tôi vẫn duy trì mô hình 1 vụ tôm-1 vụ lúa”. Ông Châu Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên cho rằng, bà con nông dân trong xã đã lắp lúa trên nền tôm đạt 1.426ha, đạt 100,71% kế hoạch, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 90%, giống đạt cấp xác nhận chiếm trên 80%, đặc biệt, thực hiện được 15,31 ha lúa hữu cơ. Phó chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2 khẳng đỉnh: "Mô hình tôm-lúa tạo ra chuỗi sản xuất bền vững, đây là tiền đề để thực hiện nền lúa thơm- tôm sạch, góp phần nâng cao mức sống cho bà con nhân dân trên địa bàn xã. Năm 2019, xã Gia Hòa 2 tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt việc lắp lúa trên nền tôm; nhân rộng mô hình lúa hữu cơ để góp phần tạo ra mặt hàng nông sản sạch; phối hợp cùng các doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nhân dân".
Làm lúa trong vuông nuôi tôm gặp khó khăn trong khâu thu hoạch. Do điều kiện đặc thù của mô hình này, nên máy gặt đập liên hợp không thể vận hành được như ở vùng chuyên lúa. Do đó khi thu hoạch phải thuê công cắt, bó gom lên bờ và suốt, chi phí mỗi công 800 ngàn đồng, thậm chí lúc đông ken, nhiều ruộng lúa đã chín mà không thuê được nhân công, tỷ lệ hao hụt cao. Mới đây, ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên đã phối hợp với 1 công ty ở thành phố Hồ Chí Minh đưa máy gặt đập liên hợp mini vận hành thử nghiệm tại Hợp tác xã Nông Ngư Hòa Đê, ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1. Trọng lượng của máy gần 600 kg, dễ dàng di chuyển trên nền tôm, chỉ 1 người vận hành, mỗi giờ máy cắt và suốt được 2 công, rất ít hao hụt khi thu hoạch, phù hợp trên nền tôm. Do công cắt và suốt lúa khá cao ông Mã Văn Hồng, giám đốc HTX Nông Ngư Hòa Đê xã Hòa Tú 1 mong muốn có vốn để mua một chiếc máy gặt đập mini phục vụ việc thu hoạch lúa của bà con trong Hợp tác xã và phục vụ cho bà con xung quanh. Ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Huyện Mỹ Xuyên cũng đang chủ động tìm và liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng các loại máy phù hợp với vùng tôm - lúa của huyện, để đưa cơ giới hóa vào khâu sản xuất và thu hoạch”.
Hiện tại giá thành của máy gặt đập liên hợp mini là 160 triệu đồng. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác vay vốn ngân hàng để mua máy làm dịch vụ tại địa phương, giúp nông dân vùng tôm lúa của huyện Mỹ Xuyên yên tâm hơn trong khâu thu hoạch khi áp dụng mô hình tôm -lúa
Sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân huyện Mỹ Xuyên tiến hành cải tạo đất, chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ, tôm sú chín vụ năm 2019. Theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn, khung lịch thả nuôi bắt đầu từ ngày 15/3 - 30/6/2019. Đồng thời cải tạo ao vuông đúng theo hướng dẫn, thường xuyên theo dõi môi trường nước, chọn giống tốt, đảm bảo cho mùa vụ nuôi tôm năm 2019 đạt hiệu quả.