Theo các chuyên gia thủy sản, tôm thẻ chân trắng vốn sinh trưởng trong môi trường nước có độ mặn thích hợp. Bởi vậy, nói là nuôi tôm trong môi trường nước ngọt nhưng thực tế người nuôi vẫn phải “tạo” độ mặn phù hợp cho nước nuôi tôm. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi lại thiếu kiến thức kỹ thuật khi xử lý nước ngọt để nuôi tôm nên chưa hiểu hết được những bất cập lâu dài do nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt gây ra.
Những bất cập đã được báo trước...
Khi nuôi tôm trong vùng nuôi nước ngọt, người dân thường khoan giếng lấy nước ngầm, dùng muối để tăng độ mặn cho nước trong ao nuôi. Việc khoan giếng nước ngầm dẫn đến xâm thực nước mặn vào đất liền. Dù tạo độ mặn bằng cách thả muối xuống ao nuôi vẫn không đảm bảo đủ các khoáng chất như trong nước biển tự nhiên; môi trường nước đã “pha chế” này không bền vững khiến tôm dễ bị bệnh mềm vỏ, hình thức xấu, chất lượng thịt không ngon như nuôi nước mặn và nước lợ. Điều đó còn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây sụt lún đất trong khu vực, mặn hóa vùng nuôi tôm, ô nhiễm nguồn nước ngầm và đất trồng cây khác xung quanh.
Bên cạnh đó, nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt còn phá vỡ quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2010-2020 mà tỉnh đã phê duyệt vì hầu hết diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt mới phát sinh trên địa bàn tỉnh đều đang nằm trong diện tích quy hoạch để nuôi các loại cá nước ngọt hoặc là canh tác rau màu.
Những vùng nuôi này không có ao chứa và ao xử lý nước thải; nguồn nước cung cấp cho ao nuôi được lấy trực tiếp từ bên ngoài vào, nguồn nước thải từ các ao nuôi tôm lại xả trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường.
Kiểu nuôi thủ công tự phát này sau 3-5 năm sẽ khiến môi trường nước bị mặn hóa trở lại, mầm bệnh mới từ tôm thẻ chân trắng sẽ lây lan cho các đối tượng thủy sản nước ngọt khác nên có nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở mọi thời điểm gây thiệt hại lớn.
Vùng nuôi tôm nước ngọt trên địa bàn xã Nam Vân (TP Nam Định) từ lâu đã phải bỏ không vì người nuôi chỉ nuôi thành công được 1, 2 năm đầu tiên. Sau đó, năng suất nuôi giảm dần, chất lượng thịt tôm không ngon như nuôi nước mặn lợ nên giá bán thấp hơn, không ổn định, sản phẩm không tiêu thụ được khiến người nuôi thua lỗ.
...vẫn nuôi bất chấp.
Dù đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo và những bài học thực tế nhưng hiện nay, một số ít các hộ dân tại các xã Hải Xuân (Hải Hậu); Nam Điền (Nghĩa Hưng); Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh)… vẫn cố tình nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
Anh Nguyễn Đức Chỉnh, xã Hải Xuân (Hải Hậu) có 3ha nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt. Trước kia, diện tích này anh Chỉnh nuôi các loại cá như cá diêu hồng, cá chép, trắm, trôi… nhưng do thời gian nuôi lâu dẫn đến chi phí cao, nên từ năm 2015, anh quyết định chuyển sang nuôi tôm nước ngọt. Với thời gian nuôi ngắn chỉ 3 tháng, mà tôm lại phát triển tốt, người nuôi thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt khác nên một số hộ dân trong xã cũng bắt tay vào cải tạo các ao nuôi cũ để nuôi tôm thẻ trong nước ngọt mà bất chấp các nguy cơ hậu quả đã được cảnh báo.
Từ thực tế cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt là “lợi bất cập hại”, mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho cả người nuôi lẫn môi trường xung quanh. Tuy nhiên vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ dân đã bất chấp khuyến cáo trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm, sát sao trong công tác quản lý nuôi tôm nước ngọt. Vì thế, để kiểm soát nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt ngoài những chỉ đạo sát sao của tỉnh và các sở, ngành chức năng, việc quản lý nuôi tôm nước ngọt rất cần sự vào cuộc quyết liệt trách nhiệm của chính quyền cơ sở và cả sự phối hợp của người nuôi.