Hiện các sản phẩm thủy sản của VN được xuất khẩu sang 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song, vấn đề mà DN lo ngại là nhiều thị trường đồng loạt giảm nhập khẩu, trong đó, có những thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… vì thế, đã kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 giảm mạnh.
Ngoài yếu tố nhu cầu thị trường thì một số quy định về tỷ lệ mạ băng của sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu… đã gây ra một số vấn đề khó cho DN. Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại còn hạn chế đã không đẩy mạnh được hình ảnh sản phẩm cá tra VN đến với đông đảo người tiêu dùng trên thế giới.
Có một thực tế là hiện tại hơn 60% giống tôm thẻ chân trắng và 80% thức ăn cho tôm, phải nhập từ nước ngoài khiến giá ở VN cao hơn các nước khác. Đầu vào cao, nhưng tỷ lệ nuôi tôm thành công đạt thấp, từ đó dẫn đến giá xuất khẩu tôm của VN cao hơn khoảng 2USD/kg so các nước nên không cạnh tranh lại.
Vì vậy, để gỡ khó cho mặt hàng cá tra, chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu tháo gỡ những “nút thắt” về đăng ký hợp đồng xuất khẩu, quy định tỷ lệ mạ băng… nhằm giảm áp lực “tâm lý”, giúp DN chủ động hơn trong chế biến xuất khẩu và cùng chung tay tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng “chuỗi giá trị”. Tuy nhiên, để phát triển chuỗi giá trị thủy sản thành công thì nhà nước cần giữ vai trò “chủ đạo” xây dựng chính sách hợp lý, tạo môi trường lành mạnh cho các tác nhân tham gia chuỗi, thông qua hình thức liên kết dọc và liên kết ngang. Những DN chế biến cần được xem là “hạt nhân” của chuỗi giá trị, để liên kết với các vệ tinh xung quanh (như người nuôi…) thông qua chính sách hỗ trợ của nhà nước và ràng buộc bằng hợp đồng kinh tế.
Với những nỗ lực và sự tâm huyết của lãnh đạo ngành cùng sự hợp tác tích cực từ phía DN chế biến xuất khẩu hy vọng bức tranh xuất khẩu thủy sản của VN năm 2016 sẽ có nhiều khởi sắc.