Đánh giá những vấn đề tồn đọng khiến ngành tôm Việt Nam gặp trở ngại, chưa phát triển đúng tầm trong những năm gần đây, TS. Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, từ ba năm trở lại đây, tình hình thời tiết Việt Nam diễn biến phức tạp, lúc mưa dầm khi nắng hạn, gây dịch bệnh liên tục trên con tôm, khiến người nuôi tôm không còn vốn để tái đầu tư.
Bởi, trong số gần 80 nghìn trại nuôi tôm trên cả nước thì có đến 55% số hộ nuôi nhỏ lẻ (quy mô từ 1ha – 3ha diện tích/ao nuôi tôm). Quy mô nhỏ khiến hộ nuôi tôm gặp khó khăn trong việc vận dụng những kỹ thuật nuôi và chăm sóc tôm hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra và giá bán tôm thấp.
Mặt khác, việc thiếu sự hợp tác liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm đã hạn chế quy mô phát triển thị trường. Đặc biệt, khi vai trò của thương lái (trung gian) hiện còn rất quan trọng trong việc thu mua tôm từ các hộ nuôi nhỏ lẻ đã khiến giá cả và chất lượng tôm thiếu tính ổn định, không đồng đều.
Cùng với đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn bị hạn chế khi thương lái thu gom số lượng lớn tôm từ nhiều hộ khác nhau. Hay việc nhiều thương lái sử dụng chất bảo quản để giữ trọng lượng tôm trước khi bán lại cho DN chế biến cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm và trực tiếp làm suy giảm thương hiệu tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần có sự thay đổi để tồn tại và phát triển bền vững. Hai năm qua (từ cuối năm 2014 đến nay), dịch bệnh trên con tôm và thời tiết bất lợi, khiến tôm chết hàng loạt, nhà nông thiếu vốn để duy trì sản xuất, DN tại khu vực ĐBSCL hiện thiếu gần 40% tôm nguyên liệu cho chế biến hàng xuất khẩu. Rất có khả năng năm nay, nhiều DN phải nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận hộ nuôi tôm tự phát kiểu “ăn xổi ở thì”, kỹ thuật nuôi hạn chế, sử dụng chất kháng sinh bừa bãi (xử lý ao đầm, trị bệnh trên con tôm), ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu.
Hay ngay từ khâu con giống, hiện nay, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tôm bố mẹ, chất bổ sung dinh dưỡng… và nguyên liệu đầu vào, làm tăng giá thành sản phẩm khiến tôm xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.
Khắc phục được những vấn đề này, ngành tôm Việt Nam mới thực sự đủ mạnh về nội lực, xứng tầm với một ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ “đô”.
Từ ngày 24 – 26/6/2016, lần đầu tiên Hội chợ triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2016) được tổ chức quy mô lớn tại TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Hội chợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bạc Liêu và Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức, quy tụ trên 200 DN tham gia với 150 gian hàng.
Theo Ban tổ chức hội chợ, VietShrimp 2016 là cầu nối để nhà quản lý, nhà khoa học, DN sản xuất, xuất khẩu và các đơn vị hậu cần phục vụ ngành tôm trong và ngoài nước gặp gỡ kết nối, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…
Đây cũng là diễn đàn để người dân nuôi tôm khu vực ĐBSCL và cả nước tham quan tìm hiểu những mô hình nuôi tôm ưu việt nhất, nhằm tìm hướng sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững trong chặng đường sắp tới.