Sản lượng, giá trị sản xuất, xuất khẩu tôm tăng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2013 là năm phục hồi sản xuất nuôi tôm nước lợ, được mùa, được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh, đã xác định được hướng phát triển rõ ràng đối với nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, vụ nuôi tôm nước lợ năm nay vẫn còn nhiều khó khăn. Diễn biến thời tiết bất thường, mặc dù nguyên nhân bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi đã được xác định, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra, gây thiệt hại cho người nuôi ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng các yếu tố đầu vào giảm sút, giá thức ăn và giống tôm tăng cao gây bất lợi cho NTTS. Thiếu vốn sản xuất, trong khi các doanh nghiệp chế biến thủy sản vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, cũng là bất lợi cho ngành tôm năm 2013.
Mặc dù vậy, năm 2013 vẫn là năm đạt được kết quả đáng kể. Tính đến cuối tháng 11/2013, diện tích nuôi tôm nước lợ tại 30 tỉnh/thành phố đạt 652.612 ha, bằng 99,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích tôm sú đạt 588.894 ha, tôm thẻ chân trắng 63.719 ha. Sản lượng thu hoạch đạt 475.854 tấn, trong đó, sản lượng tôm sú là 232.853 tấn, tôm chân trắng đạt 243.001 tấn. Giá trị xuất khẩu tôm 10 tháng năm 2013 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng gần 32,7% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Về sản xuất và cung ứng giống, năm 2013, cả nước có 1.722 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 583 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Sản lượng giống sản xuất ước khoảng 68,4 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 47,2 tỷ, tôm sú đạt 21,3 tỷ con. Trại sản xuất tôm nước lợ chủ yếu tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, trong đó Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên chiếm khoảng 40% tổng số trại sản xuất tôm trên cả nước, cung cấp khoảng 70% sản lượng giống cho cả nước.
Công tác gia hóa tôm bố mẹ và lộ trình theo hướng tự sản xuất tôm bố mẹ trong nước cũng được quan tâm triển khai. Năm 2013, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, II và III triển khai dự án Phát triển tôm bố mẹ chân trắng, tập hợp 6 đàn tôm bố mẹ có nguồn gốc từ Mêxicô, Êquađo, Côlômbia, Mỹ, Thái Lan và nuôi vỗ thành thục sinh sản trong điều kiện an toàn sinh học, sạch bệnh. Dự kiến đến năm 2015, Dự án sẽ đánh giá và lựa chọn được 1-2 đàn tôm chân trắng chất lượng tốt nhất, sạch một số bệnh nguy hiểm thường gặp (TSV, IHHNV, WSSV, MBV, YHV) để nhân đàn góp phần giảm nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu. Công tác quản lý môi trường và dịch bệnh trên tôm nuôi từng bước được kiểm soát, góp phần vào thành công của vụ nuôi tôm năm 2013. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường của thời tiết, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều vùng nuôi, các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy là các bệnh phổ biến chưa được kiểm soát tốt. Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 11/2013, cả nước đã có 68.099 ha diện tích tôm nuôi bị bệnh (bằng 84,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 10,4% diện tích nuôi tôm), trong đó diện tích tôm sú là 57.013 ha, tôm thẻ chân trắng là 11.086 ha.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tại Hội nghị Tổng kết nuôi tôm các tỉnh phía Nam năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014, các ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề về quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, hỗ trợ triển khai thực hiện VietGAP, thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nhằm hạn chế rủi ro do môi trường, dịch bệnh. Nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng cường quản lý chất lượng con giống, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đánh giá chất lượng đàn tôm bố mẹ, kiểm soát chặt chẽ việc gia hóa tôm, quản lý tốt chất lượng tôm giống trước khi đưa vào sản xuất. Về mùa vụ nuôi, cần xem xét điều chỉnh thời vụ thả nuôi cho phù hợp với từng khu vực, từng đối tượng nuôi. Bên cạnh đó, phải xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, nghiên cứu đánh giá nuôi tôm vụ “nghịch”. Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có giải pháp phát triển mô hình nuôi quảng canh cải tiến và mô hình tôm-lúa tại khu vực ĐBSCL.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, năm 2013 với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thủy sản, của người nuôi và doanh nghiệp trong toàn ngành vượt qua khó khăn, ngành nuôi tôm, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT), đã có sư phát triển tốt, đóng góp lớn vào sản lượng nuôi và xuất khẩu thủy sản của toàn ngành. Đây là năm đầu tiên sản lượng TCT vượt tôm sú cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Hệ thống quản lý nhà nước của ngành đã vào cuộc quyết liệt, từ quản lý giống đến kiểm soát giống ở các cơ sở sản xuất, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ nhập vào Việt Nam. Kiểm soát tốt hơn dịch bệnh, đặc biệt hội chứng suy gan tụy cấp, kịp thời hướng dẫn chuyên môn, tổng kết các mô hình nuôi tốt để nhân rộng ra các địa phương, Công tác thanh tra xử lý các vi phạm, đặc biệt là chất lượng vật tư đầu vào được tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý liên quan để tháo gỡ những khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế, vẫn còn hiện tượng không tuân thủ thời vụ, quy trình nuôi dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, tiến bộ kỹ thuật mới chậm được cập nhật phổ biến, việc kiểm soát vật tư đầu vào chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quan trắc cảnh báo môi trường chưa thực sự chủ động, bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản chưa được kiện toàn.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, kết quả đạt được trong nuôi tôm nước lợ năm 2013 là tiền đề quan trọng để toàn ngành chủ động chuẩn bị tốt hơn.cho vụ nuôi tôm năm 2014. Bên cạnh những thuận lợi có được đối với ngành nuôi tôm năm 2013, nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn, trong đó lợi thế về giá có được trong năm 2013 sẽ không còn do các nước xuất khẩu tôm gặp bất lợi trong năm nay sẽ khắc phục và tăng sản lượng nuôi trong năm 2014. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh nuôi TCT đòi hỏi cơ quan quản lý các cấp cần tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo cho người nuôi, rà soát quy hoạch nuôi, quản lý tốt chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng sản phẩm để phát triển nuôi bền vững và hiệu quả.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ cho vụ tôm năm 2014
Để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2014, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, cần bám sát thị trường, quản lý điều hành sản xuất, một mặt tranh thủ lợi thế và điều kiện của địa phương để phát triển nuôi TCT, một mặt vẫn phải giữ cơ cấu hợp lý đối với với nuôi tôm sú. Chủ động phòng tránh một số bệnh trên tôm, trong đó tập trung quản lý môi trường, hướng dẫn mùa vụ, quy trình thả nuôi.
Về công tác chỉ đạo sản xuất, cần cải tiến và làm tốt hơn công tác thông tin, thống kê, dự báo thị trường, mở rộng phát triển sản xuất theo hướng có lợi nhất. Các địa phương cần chủ động rà soát quy hoạch để có điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề chất lượng giống trong nuôi tôm. Trong năm tới, cần phải đáp ứng đủ giống cho sản xuất về số lượng và đạt chất lượng tốt. Về lâu dài, khuyến khích sản xuất tôm bố mẹ trong nước, đồng thời kiểm soát tốt nguồn tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Các cơ quan quản lý cần chỉ đạo kiểm soát lưu thông giống, tiếp tục đẩy mạnh thanh tra kiểm tra và quản lý chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm việc tiêm chích tạp chất. Cần chủ động kiểm soát dịch bệnh, ngoài hội chứng suy gan tụy cần quan tâm phải chú ý kiểm soát các bệnh nguy hiểm thường gặp khác. Thực hiện quản lý thời vụ, xây dựng khung thời vụ sát hơn với điều kiện thực tế. Rà soát cơ chế chính sách, xây dựng quy chuẩn, quy trình nuôi để tạo điều kiện cho người nuôi và doanh nghiệp thực hiện liên kết trong sản xuất.
Về chuyên môn kỹ thuật, đối với bệnh hội chứng suy gan tụy, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan và đơn vị nghiên cứu sớm có kết luận chính thức và đưa ra quy trình phòng bệnh hoại tử gan tụy để hướng dẫn, khuyến cáo cho người nuôi chủ động sản xuất, phòng trị bệnh. Về giống, khuyến khích sản xuất giống tại chỗ, nhất là giống TCT, đồng thời kiểm soát tốt giống nhập. Đối với các đơn vị thực hiện gia hóa tôm bố mẹ trong nước phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, không được phép kinh doanh sản phẩm khi chưa được công nhận, chưa được đưa vào danh mục được phép sản xuất kinh doanh. Cần phải được xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục nghiên cứu quy trình, mô hình nuôi hiệu quả, kịp thời phổ biến hướng dẫn mô hình mới. Điều chỉnh mùa vụ đối với tôm thẻ và tôm sú. Nghiên cứu và có hướng dẫn đối với nuôi tôm thẻ vụ “nghịch”, mô hình nuôi, quảng canh, bán thâm canh./.