Bố con ông Võ Văn Tất đang giằng lại bè cá.
Khác với nuôi cá lồng nước ngọt trên sông, hồ, nuôi cá lồng nước lợ ở khu vực cửa sông có những đặc điểm rất khác biệt, từ không gian nuôi, cách thức kết bè, đan lưới cho đến việc giằng neo để giữ lồng. Vì nuôi ở khu vực cửa sông, trên diện tích mặt nước khá rộng, chịu tác động trực tiếp của triều cường, biển động nên bè nuôi thường được kết rất chắc chắn. Vật liệu kết bè chủ yếu là các thanh gỗ dài và rất nhiều thùng phuy rỗng được kết lại với nhau và được neo giữa dòng bằng 4 chiếc neo lớn ở 4 góc bè.
Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK cảng Cửa Lò - Bến Thủy, tôi đến thăm bè nuôi cá của gia đình ông Võ Văn Tất, trú tại khối 4, phường Nghi Thủy. Ông Tất tâm sự: “Từ đầu năm 2010, khi thấy một số bè nuôi thử nghiệm cho hiệu quả cao, vợ chồng tôi đã bàn với gia đình con trai cả vay 190 triệu đồng làm 2 bè với 14 ô nuôi. Mỗi ô có diện tích khoảng hơn 10m2, được thả nuôi với mật độ từ 800 đến 1.000 con, trong đó, chủ yếu là các loại cá có giá trị thương phẩm cao như: Cá hồng Mỹ, cá chẽm, cá dò.
Đến nay, 2 bè cá đã cho thu hoạch 2 lần. Thời gian nuôi từ khi thả giống đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 7 tháng. Với giá bán hiện tại từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg, mặc dù tỉ lệ cá sống trong mỗi ô chỉ đạt khoảng 60%, nhưng trừ chi phí, vẫn thu lãi khoảng 70 triệu đồng/bè”. Được biết, ngoài việc thả nuôi theo lứa, để đạt hiệu quả cao và cho thu hoạch đều đặn, gia đình ông Tất còn thường xuyên tiến hành tỉa cá, bắt những con có kích cỡ lớn hơn bán trước. Đồng thời, tiến hành nuôi gối vụ để đảm bảo cho thu hoạch thường xuyên, chứ không phải chờ 7-8 tháng thu hoạch một lần.
Cạnh bè cá nhà ông Tân, là bè cá của gia đình ông Nguyễn Công Hòa, trú tại khối 1, phường Nghi Thủy. Hai bè cách nhau khoảng 15m để đảm bảo độ thoáng mặt nước, đồng thời, hạn chế tình trạng lây bệnh cho cá từ bè này sang bè khác. Cũng như nhiều hộ nuôi cá ở đây, gia đình ông Hòa mới chuyển sang nuôi cá lồng khoảng 1 năm trở lại đây, sau hơn 40 năm lênh đênh với nghề đánh bắt trên biển. Dù mới nuôi nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả lớn hơn nhiều so với đi biển. Ông Hòa dẫn chứng: Nếu đi biển, ngư dân thường phải bỏ một khoản tiền lớn để đóng tàu, sắm ngư cụ, còn việc nuôi cá như thế này, nếu hộ có nhiều vốn thì đóng nhiều lồng, vốn ít đóng ít lồng hơn. Công việc nhàn nhưng lại cho thu nhập cao hơn.
Hiện tại, gia đình ông Hòa có 2 bè cá với 15 ô cá các loại, từ cá con mới thả đến các loại cá sắp thu hoạch. Thức ăn chính để nuôi cá là các loại cá tạp, cá vụn được cắt, băm nhỏ tùy theo độ tuổi của cá. Với 15 ô nuôi, riêng tiền mua thức ăn cho cá mỗi tháng của gia đình ông hết từ 3 đến 5 triệu đồng. Thậm chí là nhiều hơn vào những giai đoạn gần thu hoạch hoặc vào thời điểm biển động, nguồn thức ăn khan hiếm. Vì thế, gia đình thường chuẩn bị sẵn thức ăn và cất giữ đông lạnh, đảm bảo cung cấp cho cá trong một thời gian dài.
Những lợi ích của việc nuôi cá lồng vùng nước lợ ở khu vực cửa sông Cấm là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân ở đây cũng đang đứng trước nhiều rủi ro. Trước hết là do ô nhiễm nguồn nước, cá mắc bệnh, chết hàng loạt, tỉ lệ cá sống thường chỉ đạt 60%. Bởi, vị trí nuôi chủ yếu nằm trong khu vực cảng Cửa Lò, nơi có lưu lượng tàu thuyền qua lại rất đông, nước trong các tàu khi xả ra thường có lẫn dầu máy.
Bên cạnh đó, mỗi khi cầu cảng được nạo vét thường làm nước đục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cá nuôi. Ngoài ra, do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ nuôi cá theo kiểu tự phát. Do đó, mỗi khi cá bị bệnh, họ thiếu kỹ thuật và kiến thức để chữa bệnh nên hiệu quả thấp. Đó là chưa kể khu vực này không có chỗ để dong bè cá vào trú ẩn mỗi khi có bão, nên mỗi năm người dân cũng phải mất khoảng 3 tháng (tháng 8, 9, 10) để lồng nằm không, rất lãng phí.
Chính vì thế, sự quan tâm của các ngành chức năng đối với việc hỗ trợ người dân trong các vấn đề về khoa học kỹ thuật, các phương pháp phòng trừ bệnh cho cá là hết sức cần thiết. Đặc biệt là quy hoạch vùng nuôi cá tập trung một cách hợp lý, vừa đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, vừa đảm bảo nơi trú ẩn cho các bè cá vào mùa biển động. Nếu giải quyết được các vấn đề này, chắc chắn hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng vùng nước lợ ở cửa sông Cấm sẽ được tăng lên gấp bội.