Nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo như sau:
“Một số quy định của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ như việc quy định cứng nhắc về độ ẩm và tỷ lệ mạ băng và việc bắt buộc đăng ký hợp đồng xuất khẩu đã gây khó khăn, ách tắc cho việc xuất khẩu cá tra. Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vậy mà tại hội nghị ở Cần Thơ ngày 10/6/2015, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn giữ nguyên quan điểm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa thực hiện đề xuất sửa đổi Nghị định số 36/2014/NĐ-CP? Bao giờ Bộ thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra Việt Nam?
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng tàu khai thác xa bờ đã triển khai rất nhanh và tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng nói, số tàu đánh bắt xa bờ của ta đã vượt quá khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Vậy, nên chăng cần chuyển sang đầu tư cho việc bảo quản sau thu hoạch, chế biến và thương mại thủy sản?
Tôi rất đồng tình và hoan nghênh việc Bộ trưởng đã nói cần quan tâm đến an toàn của 90 triệu người dân Việt Nam, nhưng hiện nay, người dân ở nhiều địa phương (Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…) đang sử dụng thuốc diệt cỏ để triệt cỏ cả trên đồng ruộng đến các bờ ruộng. Điều này sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Xin hỏi Bộ trưởng đã có giải pháp gì về vấn đề này?”
Về các vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời Đại biểu Đinh Xuân Thảo như sau:
Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra khung pháp lý quan trọng để đưa việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra vào nề nếp, bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức cũng như thực tiễn. Việc đăng ký xuất khẩu là cần thiết để giám sát thực hiện các chính sách khác của Nghị định.
Theo đề nghị của nhiều doanh nghiệp, Chính phủ đã đồng ý hoãn thi hành riêng điều khoản về độ ẩm và mạ băng. Tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp đều ủng hộ phải có quy định ngăn ngừa việc lạm dụng phụ gia để làm tăng độ ẩm, lạm dụng mạ băng, làm mất uy tín sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định này theo hướng đưa ra các tiêu chí và lộ trình thực hiện phù hợp với yêu cầu của thị trường để trình Chính phủ trong năm 2015.
Đề nghị chỉ hỗ trợ đóng mới bổ sung 2.079 tàu cá xa bờ
Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 11/5/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo là nguồn lợi thủy sản xa bờ cũng có hạn chế nên việc tăng thêm số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ cũng phải được kiểm soát.
Do vậy, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chỉ hỗ trợ đóng mới bổ sung 2.079 tàu cá xa bờ, đồng thời cần chú trọng tăng cường hỗ trợ về trang thiết bị và kỹ thuật để nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản, chế biến, thương mại, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng.
Thuốc trừ cỏ được thẩm định nghiêm ngặt về độ an toàn
Hiện nay, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, thuốc trừ cỏ đang được sử dụng rất phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trên lúa gieo thẳng (lúa sạ), trên cây màu, cây ăn quả, cây công nghiệp… và trên đất không trồng trọt. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi các giống cây trồng mang gen kháng thuốc trừ cỏ để nâng cao hiệu quả việc sử dụng thuốc.
Các thuốc trừ cỏ đang sử dụng tại Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài và đang được sử dụng rất phổ biến ở nhiều nước khác trên thế giới. Các thuốc trừ cỏ không an toàn, có độ độc cao, khó phân hủy… đã bị cấm sử dụng và không được nhập cũng như không được sử dụng tại Việt Nam từ nhiều năm nay.
Nếu sử dụng đúng thì thuốc trừ cỏ góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và tăng hiệu quả sản xuất. Thuốc trừ cỏ cũng rất ít có nguy cơ để lại dư lượng trong nông sản vì thường được sử dụng vào đầu vụ và thường không phun trực tiếp lên cây trồng.
Để quản lý chặt chẽ thuốc trừ cỏ nói riêng và thuốc bảo vệ thực vật nói chung nhằm bảo đảm an toàn cho người sản xuất, cộng đồng, môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm, trong nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn các địa phương trong cả nước thực thi các quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Trước khi đưa vào Danh mục, các thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc trừ cỏ được thẩm định nghiêm ngặt theo quy định về độ an toàn, được khảo nghiệm, đánh giá về hiệu lực sinh học. Khi lưu thông trên thị trường, thuốc phải có nhãn theo quy định để hướng dẫn sử dụng rõ ràng, cụ thể.
Bộ cũng luôn quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các địa phương tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và hiểu biết của nông dân và các cán bộ địa phương trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ một cách an toàn, hiệu quả.
Gần đây, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, trong đó có một chương quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có quản lý thuốc trừ cỏ theo hướng chặt chẽ và cụ thể hơn so với các quy định trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Thông tư mới đã có những quy định mới phù hợp với Luật theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc trừ cỏ để bảo đảm an toàn cho người, động thực vật và môi trường. Trong Thông tư này cũng quy định cụ thể việc rà soát, loại bỏ khỏi Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được các tổ chức quốc tế cảnh báo hoặc trong quá trình sử dụng có bằng chứng về sự mất an toàn của thuốc.
Để tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc trừ cỏ, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện thí điểm phát triển dịch vụ bảo vệ thực vật, đồng thời chỉ đạo xây dựng đề án để trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển mạng lưới nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã để tăng cường tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và giúp chính quyền cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn phòng chống dịch hại và quản lý tốt hơn việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.