Nan giải từ nuôi nhóm hộ
Ông Phan Thanh Dũng có hồ nuôi tôm ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải (Phong Điền) rộng 2.200m2, trung bình mỗi vụ thả từ 60 vạn đến 1 triệu con giống. Sau mỗi vụ nuôi, nước được xả ra khe nhỏ được đắp bao để xử lý diệt khuẩn bằng clorin trước khi nước tự chảy ra môi trường.
Việc xử lý nước thải bằng clorin khá cầm chừng và không triệt để, nên nước chảy qua các khe ra biển có màu đen đục, bốc mùi hôi.
Tương tự, ông Đoàn Văn Thú, ở thôn Trung Đồng, xã Điền Hương cho hay, hơn 10 năm nay, nước thải từ 5 hồ nuôi của gia đình được xả ra khe đào chung, qua hồ tự lắng và chảy ra môi trường; ngoài ra không dùng thuốc men, chất tẩy gì để khử trùng. Hiện, các hộ nuôi ở xã Điền Hương đang chờ đấu nối vào hệ thống xử lý chung của dự án, nên hầu hết không ao nuôi nào có hệ thống xử lý nước thải.
Đây đang là thực trạng chung ở hầu hết những vùng nuôi có quy mô hộ gia đình ở các xã Phong Hải, Điền Hoà, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hương.
Theo ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền, tại các xã Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa và Phong Hải, hệ thống xử lý nước thải của hộ nuôi thi công trước đây đã bị hư hỏng, chưa được đầu tư, hoàn thiện. Để đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý cần nguồn kinh phí rất lớn. Hiện nay, do tình hình nuôi khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất hạn hẹp, không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nên việc tu sửa, đầu tư hệ thống này còn bỏ ngỏ.
Đầu tư tập trung, đồng bộ
Hiện nay, hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung được UBND huyện Phong Điền quan tâm, đầu tư khá hoàn thiện về hệ thống điện, đường, và một số hạ tầng khác.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam có diện tích nuôi chiếm khoảng 50% diện tích nuôi toàn huyện cũng đã đầu tư hoàn thiện về hạ tầng tại farm nuôi ở các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc.
Công ty Thiên An Phú - Điền Hương hiện không nuôi mà chỉ thử nghiệm các mô hình và không có hệ thống xử lý nước thải. Công ty Thuận Phước - Điền Hương có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa hoàn thiện.
Thông qua dự án Hệ thống NTTS trên cát ven biển xã Điền Hương, gồm 4 hạng mục chính: hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện và hệ thống cấp nước mặn, theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền, dự kiến cuối tháng 8/2019, hệ thống xử lý nước thải (mức đầu tư 19 tỷ đồng) và cấp nước mặn (mức đầu tư 23 tỷ đồng) sẽ hoàn thành đấu nối với hệ thống các vùng nuôi tôm của người dân xã Điền Hương. Để đưa vào vận hành đảm bảo, xã Điền Hương đang tiến hành các bước để thành lập đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải và trạm bơm nước mặn tập trung.
Xã Phong Hải có diện tích đất nuôi tôm trên cát theo quy mô hộ, nhóm hộ gần 82ha, nhiều nhất trong số hơn 5 xã nuôi tôm ven biển toàn huyện. Vì thế, ngoài đầu tư hạng mục hệ thống nước thải trong gói dự án hệ thống NTTS trên cát ven biển ở xã Điền Hương, từ năm 2017, Dự án hạ tầng xã Phong Hải đã được đăng ký với Trung ương, chờ bố trí kinh phí.
Trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp, hộ nuôi không đủ khả năng đầu tư, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã quản lý chặt việc nuôi tôm theo Quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn; đồng thời củng cố 2 HTX NTTX thuộc xã Phong Hải và thành lập mới các HTX NTTS tại các xã còn lại.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, phần lớn nguồn nước thải từ hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng các vùng ven biển đang thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý, không đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Trong khi chờ vốn đầu tư, các hộ nuôi cần liên kết để đầu tư chung hồ xử lý, vì mục tiêu phát triển NTTS bền vững, lâu dài, nhất là trong bối cảnh hiện nay các nước nhập khẩu thủy sản đang đòi hỏi rất khắt khe tiêu chuẩn chất lượng tôm nuôi.
Ngoài 3 doanh nghiệp, tại 5 xã nuôi tôm trên cát: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Phong Hải hiện có 196 hộ nuôi với diện tích đất sử dụng hơn 202ha. Sau năm 2020, sẽ có một số diện tích đất nuôi tôm ở phía Đông Tỉnh lộ 22 được bố trí chuyển sang mục đích phục vụ trồng rừng phòng hộ.