Từ sáng sớm, ngư dân làng chài Sâm Riêng (thôn Sâm Linh Tây) cùng các ngư lão trong làng chuẩn bị để làm lễ nghinh thần (rước thần) cá Ông ở cửa biển An Hòa (xã Tam Quang). Lễ được tổ chức hết sức thành kính, trang nghiêm để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi.
Sau phần lễ, các ngư dân địa phương bắt đầu khai hội đua thuyền cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm nét văn hóa vùng ven biển như đua thuyền, hát bã trạo…
Ngư dân Phạm Xuân Lệ (49 tuổi, trú thôn Sâm Linh Tây) chủ tàu cá QNa 90315 TS chia sẻ năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngư dân làng Sâm Riêng đều tổ chức lễ hội cầu ngư để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng và đánh bắt trúng nhiều mẻ tôm, cá đầy khoang thuyền. Ngày mai, tàu cá QNa 90315 TS của ông sẽ cùng 11 thuyền viên vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.
“Lễ cầu ngư giúp chúng tôi có thêm động lực, tinh thần phấn chấn, ra khơi với khí thế, với quyết tâm bám biển, giữ ngư trường. Để chuẩn bị chuyến ra khơi đầu năm mới 2020, tàu cá tôi đã tiếp 7.000 lít dầu, hơn 800 cây đá lạnh cùng nhiều các nhu yếu phẩm khác, với tổng chi phí khoảng 140 triệu đồng” - ngư dân Phạm Xuân Lệ cho biết.
Ông Phan Vĩnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết, lễ hội cầu ngư có ý nghĩa trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân các làng vạn chài. Buổi lễ đã truyền đi thông điệp cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để ngư dân có thể an tâm trong mỗi chuyến ra khơi. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng ngư dân ven biển và trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân.
“Hiện tại trên địa bàn xã Tam Quang có hơn 170 tàu thuyền trên công suất 90CV đánh bắt hải sản ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam. Trong năm 2019, sản lượng đánh bắt hải sản của toàn xã Tam Quang đạt được hơn 18 ngàn tấn hải sản. Dự kiến trong năm 2020 toàn xã sẽ phấn đấu đánh bắt được 19 ngàn tấn hải sản”, ông Tiến nói.