Với 2,7 ha diện tích đất thầu theo Nghị định 64, năm 2015 ông Bùi Trung Cải ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) đã thuê máy móc, công nhân làm mặt bằng, đào ao để nuôi tôm công nghiệp và cá rô phi đơn tính. Đến năm 2016, ông mạnh dạn đưa thêm giống cá mú từ biển về nuôi thử nghiệm. Trên diện tích ao khoảng 6.000 m2, ông nuôi 3.000 con cá mú; sau 6 tháng nuôi, hiện cá đang phát triển tốt, bình quân đạt trọng lượng 600 gam/con.
"Hiện giờ, cá mú có giá trị cao nhất trong các loài hải sản biển và rất hiếm, do đó, tôi quyết định tìm ra cửa biển mua cá mú nhỏ về nuôi tại ao nhà. Nếu thành công, ao cá mú xuất bán sẽ cho doanh thu lớn" - Ông Cải cho biết.
Theo ông Cải, cá mú là loài cá xuất khẩu loại 1 được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng bởi thịt cá khi chế biến thơm, dai chắc, nhiều chất bổ dưỡng, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn.
So với các đối tượng nuôi, sản phẩm cá mú chưa ra thị trường nhiều do hiếm, giá trị kinh tế mang lại cao hơn các đối tượng thủy sản khác.Sau thời gian,ông Cải cho biết cá mú dễ nuôi, chịu rét tốt trong môi trường ao; chi phí thức ăn thấp, thức ăn chủ yếu là cá biển loại nhỏ, ruốc biển được mua từ tàu thuyền của ngư dân đánh bắt về.
Dự tính ao cá mú của gia đình ông Cải sẽ thu hoạch vào tháng 11 âm lịch năm nay; bình quân trọng lượng cá mú đạt từ 1,8 - 2 kg/con. Với giá thị trường hiện nay, cá mú loại nhỏ dưới 1 kg từ 250.000 - 270.000 đồng; loại khoảng 2 kg giá 350.000 - 370.000 đồng/kg. Giá bán cao như vậy, nếu vụ này thắng lợi, gia đình ông Cải sẽ có nguồn thu nhập trên 600 triệu đồng.
Ngoài nuôi cá mú xuất khẩu, ông Cải còn nuôi nhiều con đặc sản có giá trị cao như cua gạch, cá đục và cá đối mục; mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.
Cá mú có nhiều chất dinh dưỡng, dùng rất tốt cho trẻ em còi, thai nhi chậm phát triển, chữa đái tháo đường, suy nhược... Ảnh: Việt Hùng
"Nếu nuôi cá mú thành công, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi, khi đó thị trường được mở rộng ra ngoài tỉnh, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài" - ông Bùi Trung Cải chia sẻ.