Người tiên phong “làm mới” con tôm ở Quảng Trị

34 tuổi, hơn 15 năm gắn bó với con tôm thẻ chân trắng, Hoàng Thế Vinh ở xã biển Trung Giang, huyện Gio Linh đã nếm trải nhiều thăng trầm với con nuôi này bởi sự bấp bênh, thiếu ổn định. Có thời điểm Vinh gần như trắng tay do tôm nhiễm bệnh chết trắng cả hồ nhưng cũng có lúc đút túi gần cả tỉ đồng tiền lãi sau vụ nuôi bội thu cả về sản lượng và giá cả. Quăng quật mãi với con tôm rồi cũng đến lúc anh Vinh nhận thấy phải làm điều gì đó để thay đổi…

Người tiên phong “làm mới” con tôm ở Quảng Trị
Anh Hoàng Thế Vinh kiểm tra thức ăn của tôm​

Khó “thắng” nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm

Năm 2004, gia đình Hoàng Thế Vinh chọn địa điểm gần bờ biển để nuôi tôm thay vì nuôi ở khu vực bờ sông Bến Hải sát với Cửa Tùng như trước. Hồ được đào trên cát với tổng diện tích 3.000 m2, trải bạt toàn bộ và đầu tư đầy đủ hệ thống điện, cấp nước mặn, ngọt, cung cấp ô xi...với số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng nhưng việc nuôi tôm không phải lúc nào cũng thuận lợi vì tôm là con nuôi “khó tính” do rất mẫn cảm với những thay đổi của thời tiết, môi trường nước và dễ nhiễm bệnh nếu không xử lí kịp thời những vấn đề này cũng như đảm bảo chế độ chăm sóc, dinh dưỡng.

Anh Vinh kể, sau một vài vụ có thể xem là thành công bởi có lãi hoặc đủ trang trải chi phí thì việc nuôi tôm bắt đầu gặp khó khăn do vụ được, vụ mất. Có vụ thì vừa thả giống được hơn 20 ngày là tôm có dấu hiệu bỏ ăn rồi chết hàng loạt. Vụ thì tôm bắt đầu chết ở thời điểm nuôi được 1,5 - 2 tháng và kéo dài cho đến khi thu hoạch hoặc chết trắng cả hồ khi nuôi được trên 2 tháng... Tôm chết toàn bộ ở thời điểm mới nuôi hoặc chết lai rai thì thiệt hại còn “dễ thở” nhưng nếu chết hết sau 60 ngày nuôi thì coi như thua lỗ nặng nề vì lúc này chi phí bỏ ra là rất lớn. “Như năm 2012 và 2014, tôm đang phát triển rất tốt thì bỗng nhiên chết trắng cả hồ, xử lí đủ cách vẫn không được khiến tôi mất hơn 1 tỉ đồng. Những năm gần đây không chỉ tôi mà tất cả người nuôi tôm ở Trung Giang đều lâm vào tình cảnh này. Ai vụ được vụ mất thì còn có thể duy trì được nhưng đối với người thất bại 2 - 3 vụ liên tiếp thì coi như trắng tay và đành phải chấp nhận “treo” hồ vì nuôi tôm đòi hỏi phải đầu tư nhiều vốn. Trung Giang trước đây có diện tích nuôi tôm trên 22 ha với hơn 30 hộ tham gia nhưng hiện nay tất cả hộ nuôi thâm canh ở khu vực ven sông Bến Hải đã bỏ nghề chuyển sang nuôi quảng canh các loại cá, cua, chỉ còn 5 hộ duy trì nuôi tôm trên cát với diện tích khoảng 14.000 m2. Nguyên nhân tôm chậm phát triển, mất sản lượng hoặc chết toàn bộ chủ yếu là bị nhiễm các bệnh đốm trắng, gan tụy cấp tính, phân trắng và đỏ đầu. Đây là những loại bệnh rất khó chữa trị cũng như tốn kém tiền bạc và hầu hết người nuôi tôm chủ yếu xử lí bằng kinh nghiệm của mình hoặc qua tư vấn của nhân viên các đại lí cung cấp thức ăn, chế phẩm sinh học chứ chưa áp dụng đầy đủ quy trình kĩ thuật của cơ quan chức năng.


Anh Vinh chuẩn bị hồ ương cho vụ nuôi tôm mớ​i

Nuôi tôm tiềm ẩn nhiều rủi ro còn có nguyên nhân là do hầu hết người nuôi tôm đều chưa coi trọng chất lượng nguồn giống và xử lí môi trường hồ nuôi, kĩ thuật nuôi không đúng quy trình. Rồi việc cấp nước, xử lí nước thải không được đầu tư bài bản, mỗi người làm một cách. Thực tế này không chỉ ở Trung Giang mà còn diễn ra ở nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh”, Hoàng Thế Vinh nói... Sau nhiều năm nuôi tôm, anh Vinh trở nên khá nổi tiếng trong lĩnh vực này ở huyện Gio Linh và Vĩnh Linh nhờ sự “chịu chơi” trong đầu tư hồ, các thiết bị, hạ tầng đi kèm; kinh nghiệm cũng như những vụ tôm mang lại thu nhập tiền tỉ. Hỏi về những chuyện này, anh chia sẻ: “Tôi may mắn hơn người khác là có những vụ tôm được mùa nên vẫn đeo đuổi được với con tôm nhưng lắm lúc cũng thấy nản lòng vì gặp quá nhiều rủi ro. Đúc kết từ thực tế cho thấy, nuôi tôm nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, phương pháp truyền thống không thôi thì sẽ khó “thắng” một cách bền vững và muốn thay đổi thì không có sự lựa chọn nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ và cải tiến phương pháp nuôi”.

Người đầu tiên ở Quảng Trị nuôi tôm hai giai đoạn

Cuối năm 2017, Hoàng Thế Vinh nhen nhóm ý tưởng nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp hai giai đoạn sau khi tham khảo rất kĩ nhiều thông tin trên internet và các tài liệu hướng dẫn của các doanh nghiệp nuôi tôm có tiếng ở trong nước. Nuôi theo phương pháp này, tôm giống không thả trực tiếp xuống hồ như cách nuôi truyền thống mà được ương ở một hồ nhỏ riêng biệt trong khoảng thời gian nhất định cho đến khi đạt được kích cỡ phù hợp thì chuyển sang hồ lớn để tiếp tục nuôi cho đến khi thu hoạch… Đến đầu năm 2018, anh Vinh quyết định đầu tư 600 triệu đồng để lắp đặt 2 hồ ương nổi trên mặt đất với diện tích mỗi hồ 120 m2, có mái che toàn bộ và hệ thống cung cấp ô xi, xi phông đáy, cấp nước và thoát nước để trở thành nông dân đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương pháp hai giai đoạn. Vụ đầu tiên, anh Vinh thu hoạch xấp xỉ 7 tấn, bình quân 50 con/kg, lợi nhuận gần 600 triệu đồng. Vụ thứ hai anh “thắng lớn” với gần 9 tấn tôm, đút túi gần cả tỉ đồng tiền lãi. “Nuôi tôm theo phương pháp này mang lại hiệu quả vượt trội trên nhiều mặt so với nuôi theo kiểu cũ”.

Vinh nói rồi đi ra khu vực có hai hồ ương tôm, giải thích: “Đây là nơi nuôi tôm giai đoạn một. Hai hồ này có tổng diện tích là 240 m2, ương được khoảng 50 vạn con giống. Nếu không nuôi theo phương pháp hai giai đoạn thì toàn bộ số giống này sẽ được thả ở ra hai hồ lớn ngoài kia có diện tích mỗi hồ là 1.500m2. Hồ rộng thì vừa khó xử lí các vấn đề liên quan, vừa tốn kém về mọi mặt nhưng với diện tích nhỏ và khép kín, cách biệt với môi trường tự nhiên như thế này thì tôm được chăm sóc, kiểm soát rất tốt về môi trường nước, chế độ dinh dưỡng, khả năng sinh trưởng cũng như hạn chế thấp nhất vấn đề nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, khi tôm có vấn đề về “sức khỏe”, điều mà người nuôi tôm lo ngại nhất trong giai đoạn tôm chưa được 30 ngày tuổi thì việc xử lí cũng rất thuận lợi và tiết kiệm các loại thuốc, chế phẩm sinh học và cũng không mất quá nhiều công sức. Thử làm một phép tính đơn giản thôi cũng đủ thấy, khi cho tôm ăn thì với diện tích nhỏ như vậy rất dễ kiểm soát sức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, không dư thừa, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm tốt môi trường nước trong khi đó nuôi theo kiểu truyền thống thì việc này rất khó thực hiện. Thời gian tôm nuôi ở hồ này là từ 20 - 25 ngày tùy theo điều kiện thời tiết và khi đạt mẫu 800 - 1.000 con/kg sẽ được đưa ra hồ lớn để nuôi khoảng 50 ngày là cho thu hoạch”.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính tìm hiểu mô hình nuôi tôm của anh Hoàng Thế Vinh

Cũng theo Vinh, nuôi tôm hai giai đoạn gần như giải quyết được hai bài toán khó cho người nuôi là hạn chế tối đa khả năng nhiễm các loại bệnh và rút ngắn được thời gian nuôi. Hạn chế bệnh thì đã rõ nhưng để rút ngắn được thời gian nuôi thì phải nói đến yếu tố tăng trưởng bù. “Thực tế ở đây cho thấy, tăng trưởng bù trong nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn là khi tôm ở hồ ương thì có mật độ dày, không gian chật nên khả năng sinh trưởng gần như bị “nén” lại. Đến khi chuyển sang hồ lớn có không gian rộng rãi hơn rất nhiều thì tôm gần như “bung” hết sức để phát triển rất nhanh. Tôm tôi nuôi ở hồ ương đạt tầm 1.000 con/kg nhưng chuyển sang hồ lớn trong vòng một tuần đã về mức 300 con/kg. Yếu tố này đã giúp mỗi vụ nuôi rút ngắn được từ 15 - 20 ngày trong khi sản lượng tăng khoảng 25% so với nuôi theo kiểu truyền thống. Đối với người nuôi tôm giảm được thời gian nuôi là khâu đặc biệt quan trọng để tiết giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận cũng như hạn chế tối đa rủi ro”, anh Vinh lí giải…

Đến thời điểm này, vụ nuôi tôm thứ ba theo phương pháp hai giai đoạn của Hoàng Thế Vinh đã gần được 60 ngày. Thử hỏi về dự báo sản lượng cũng như ước lợi nhuận của vụ nuôi này nhưng anh không trả lời mà đi ra hồ kéo lên chiếc rớ đầy những con tôm có kích cỡ gần bằng ngón tay rồi nói: “Thông thường thì khi tôm ở kích cỡ này xem như người nuôi có thể yên tâm. Cùng thời gian nuôi như vậy nhưng hai vụ trước tôm nhìn không bắt mắt và mật độ cũng không dày bằng”. Phải có cơ sở thì Vinh mới nói như thế vì tiếp xúc với anh, điều rất dễ nhận ra ở người nông dân trẻ này là niềm đam mê mãnh liệt với con tôm, tinh thần ham học hỏi và tính cách quyết đoán, miệng nói tay làm.

Hướng đi hiệu quả để “làm mới” con tôm

Thành công trên nhiều mặt từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của Hoàng Thế Vinh đã tạo ra sức hút lớn đối với nhiều người nuôi tôm và sự quan tâm của các cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo tỉnh. Trại nuôi tôm của anh thường xuyên đón các đoàn đến tìm hiểu, học hỏi và anh Vinh cũng luôn tận tình giới thiệu, hướng dẫn kĩ thuật, chia sẻ kinh nghiệm của phương pháp nuôi tôm mới mẻ này. Đến thăm và tìm hiểu mô hình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng cũng như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đều đánh giá cao tính tiên phong, dám nghĩ dám làm trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất của anh Hoàng Thế Vinh và cho rằng, đây là cách làm rất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị kinh tế của sản phẩm nông sản, là gam màu tươi mới trong bức tranh tổng thể tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần quan tâm hỗ trợ tốt hơn cho những nông dân năng động, sáng tạo trong thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp cũng như thực hiện kịp thời các giải pháp để tiếp tục nhân rộng…

Đây là điều dễ hiểu bởi Quảng Trị có tiềm năng lớn để phát triển nuôi tôm với tổng diện tích 933 ha tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, trong đó tôm sú 450 ha, tôm thẻ chân trắng 483 ha và tôm, bò cũng đã được tỉnh xác định là hai con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển bền vững theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kì 2015 - 2020. Con tôm đang đóng góp 12% vào tổng giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp. Tuy vậy, nghề nuôi tôm hiện nay vẫn phát triển chưa được như kì vọng, đang ở trong tình trạng nhỏ lẻ, bấp bênh, vụ được vụ mất và số người có thu nhập cao, giàu có một cách bền vững nhờ con tôm là không nhiều vì thiếu đầu tư.

Theo dõi tình hình nuôi tôm những năm gần đây cho thấy, dịch bệnh trên tôm nuôi, chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng xảy ra liên tục và rất khó phòng trừ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi tôm cũng như tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp địa phương. Như vào đầu năm 2016, toàn tỉnh có 210 ha tôm nuôi trong tổng số trên 900 ha diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh, đến giữa năm 2017 có 102 ha tôm cũng lâm vào tình trạng này. Trong năm 2018 dịch bệnh trên tôm lại xuất hiện trên diện rộng với gần 120 ha và đến thời điểm này toàn tỉnh có khoảng 20 ha tôm nuôi ở các địa phương bị nhiễm bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng… Theo mục tiêu đã được ngành Nông nghiệp xác định, đến năm 2020 tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 1.000 ha, còn lại tôm sú với tổng sản lượng đạt 6.500 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn sau năm 2020 - 2025 giữ ổn định diện tích và hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao, vùng nuôi tôm hữu cơ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Huân cho biết, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của Hoàng Thế Vinh đã tạo ra “cú hích” mới trong nuôi tôm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đến nay toàn tỉnh có 10 mô hình như thế này. Để kịp thời khuyến khích và nhân rộng, các mô hình đều nhận được kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 23/2017 của UBND tỉnh về ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. “Để con tôm khẳng định rõ nét hơn vai trò của mình trong sản xuất nông nghiệp địa phương, tới đây đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với nông dân để phát triển rộng rãi nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi theo quy trình VietGAP và thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học. Cùng với đó là hỗ trợ 1,8 tỉ đồng để xây dựng hai mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính ở huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong”, ông Nguyễn Văn Huân thông tin thêm.

Xuyên suốt chặng đường 30 năm sau ngày lập lại tỉnh, sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi tôm nói riêng đã có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lĩnh vực này vẫn luôn cần những người ngày đêm trăn trở tìm tòi hướng đi, cách làm mới để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất từ mô hình nuôi tôm như anh Hoàng Thế Vinh.

Báo Quảng Trị
Đăng ngày 10/06/2019
Huy Nam
Nuôi trồng

Tập huấn ứng dụng công nghệ trong bảo quản cá ngừ đại dương

Chiều ngày 27.3, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Bình Định và Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT) tổ chức tập huấn quy trình công nghệ khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương cho 50 ngư dân làm nghề câu cá ngừ trên địa bàn phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn.

Cá ngừ
• 11:00 28/03/2024

Hạn chế lạm dụng kháng sinh bằng cách ủ men vi sinh

Với ngành thủy sản hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh và tồn dư chất độc hại trong con tôm làm cho giá trị thương phẩm tôm xuống dốc. Vì vậy, xu hướng sử dụng men vi sinh để thay thế ngày càng được áp dụng phổ biến.

Men vi sinh
• 10:23 26/03/2024

Xi phông tự động và xi phông bằng van tự động là gì? Lợi ích của xi phông đáy ao

Đối với những người nuôi tôm lâu năm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, thì khái niệm xi phông đáy ao đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, đối với những người mới bắt đầu bước chân trên con đường nuôi tôm, không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ và lúng túng.

Xi phong
• 12:30 25/03/2024

Người nuôi gặp khó khăn với tôm giống kém chất lượng

Một yếu tố quan trọng giúp một vụ nuôi thành công chính là chất lượng nguồn tôm giống. Với thực trạng hiện nay, người dân luôn gặp phải các nguồn tôm giống kém chất lượng, việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến năng suất vụ nuôi.

Tôm thẻ
• 17:38 22/03/2024

Bạc Liêu: Tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm

Tép Bạc đã phản ánh, năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đứng đầu cả nước về sản lượng tôm nước lợ và kim ngạch xuất khẩu nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Bạn đọc muốn biết thêm tiến độ đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nổi tiếng ở Bạc Liêu nên xin cung cấp thêm thông tin.

Khu nuôi tôm công nghệ cao
• 01:35 29/03/2024

Tập huấn ứng dụng công nghệ trong bảo quản cá ngừ đại dương

Chiều ngày 27.3, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Bình Định và Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT) tổ chức tập huấn quy trình công nghệ khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương cho 50 ngư dân làm nghề câu cá ngừ trên địa bàn phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn.

Cá ngừ
• 01:35 29/03/2024

Như thế nào để tôm được vận chuyển đúng cách?

Tôm cũng giống như các hàng hóa khác, phân loại theo nhu cầu của khách hàng mà được vận chuyển đến các nơi khác nhau, với hai giai đoạn cơ bản như tôm giống được vận chuyển từ các trại giống đến ao nuôi và tôm thương phẩm được vận chuyển đến các chợ đầu mối, nhà máy chế biến. Vậy cách nào để có thể vận chuyển chúng một cách an toàn, tiết kiệm mà vẫn hiệu quả nhất? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé!

Tôm đông lạnh
• 01:35 29/03/2024

Biện pháp hạ phèn hiệu quả nhanh chóng

Chắc chắn rằng việc ao nuôi bị nhiễm phèn không còn là điều quá xa lạ đối với những người nuôi trồng thủy sản. Phèn xuất hiện trong ao nuôi tôm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và sản lượng của vụ nuôi.

Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn
• 01:35 29/03/2024

Tôm đang trong ao bị thối đuôi: Nguyên nhân và cách điều trị

Tôm bị thối đuôi là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Bệnh có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao, ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ thương phẩm
• 01:35 29/03/2024