Tại hội nghị "Mở rộng BCĐ Quốc gia phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và bàn giải pháp ứng phó với dịch bệnh thủy sản do xâm nhập mặn”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 31/3, Cục Thú y cho biết, trong quý 1 năm nay, ĐBSCL có 5.432 ha thủy sản bị thiệt hại, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm nước lợ là đối tượng nuôi bị thiệt hại nhiều nhất với 4.720 ha (giảm 16,17%), chủ yếu là do biến đổi môi trường, thời tiết (2.448 ha)…
Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, trong đợt thả nuôi từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, diện tích thả nuôi tôm chỉ đạt khoảng 70-80% so với cùng kỳ 2015, trong đó lượng con giống đã thả chỉ khoảng 50%.
Bên cạnh đó, xâm nhập mặn còn gây ra những khó khăn khác cho nuôi thủy sản nói chung như nhiều diện tích nuôi thủy sản nước ngọt bị nhiễm mặn, chất lượng môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, hệ sinh thái tại khu vực cửa sông, rừng ngập mặn của các sinh động thực vật có thể bị hủy diệt và thay đổi, khu vực bãi triều nuôi nhuyễn thể bị ảnh hưởng trực tiếp khi nước biển dâng cao nên không thể tiếp tục nuôi…
Trước tình hình đó, Cục Thú y đề ra những giải pháp trước mắt như: Tăng cường quan trắc môi trường để đảm bảo kết quả quan trắc đầy đủ, có ý nghĩa và kịp thời cảnh báo cho người nuôi khi các yếu tố môi trường, độ mặn biến đổi lớn; Tăng cường năng lực quan trắc môi trường đặc biệt cho các địa phương để đảm bảo cung cấp kết quả nhanh, kịp thời, có nhận định sớm về biến đổi khí hậu và xu thế xâm nhập mặn cho từng vùng nuôi thủy sản; điều chỉnh thời vụ thả nuôi ở từng vùng phù hợp với khoảng thời gian đảm bảo điều kiện về nguồn nước; Phổ biến, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi an toàn dịch bệnh trong các điều kiện về môi trường để nuôi an toàn; nhấn mạnh các yếu tố liên quan đến dịch bệnh từ môi trường như độ mặn, nhiệt độ, độ sâu để người dân điều chỉnh môi trường tránh sự bất lợi; các địa phương bố trí nguồn lực, kinh phí để tăng cường giám sát dịch bệnh lưu hành nhằm cảnh báo, xử lý kịp thời…
Đối với người nuôi tôm cần tuân thủ lịch mùa vụ và cảnh báo của cơ quan chức năng. Theo ông Trần Đình Luân, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng, bên ngành trồng trọt đã làm tờ rơi để khuyến cáo nông dân sản xuất an toàn trong tình hình xâm nhập mặn, thì ngành thủy sản cũng nên làm tương tự. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân học hỏi những mô hình nuôi thủy sản thành công trong điều kiện xâm nhập mặn, hoặc cách giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường…
Chẳng hạn, lâu nay, khi khuyến cáo người nuôi tôm tăng hay giảm thức ăn chỉ dựa vào nhiệt độ cao hay thấp. Nhưng trong thực tế, có nhiều hộ trong cả tháng đầu thả tôm, không cần cho ăn mà tôm vẫn phát triển tốt nhờ gây màu tốt trong ao. Những mô hình như thế này cần được khuyến cáo rộng rãi. Bên cạnh đó, cần tính tới đối tượng nuôi luân canh ở những vùng mặn cao. Như ở Sóc Trăng, đang thử nghiệm nuôi cá chim mình vàng trong mùa khô. Đến khi mưa xuống thì mới thả nuôi tôm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, trước hết, các địa phương phải bảo vệ tốt những diện tích nuôi tôm còn chưa thu hoạch. Đồng thời chuẩn bị tốt ao, đầm… để thả nuôi vào tháng 5, tháng 6 khi có mưa xuống.
Nuôi tôm ở Việt Nam có một sáng kiến hay là ương dưỡng nuôi tôm giống trước khi thả nuôi trong ao, qua đó nâng cao tỷ lệ sống và giảm chi phí nuôi. Mô hình này đã được nhiều nước học hỏi và làm theo có hiệu quả.
Vì vậy, các địa phương cần hướng dẫn, tạo điều kiện cho nông dân có diện tích ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi. Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y đề xuất một Chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, bởi đây là một đối tượng nuôi quan trọng, mỗi năm đạt giá trị XK trên dưới 3 tỷ USD.
Đại diện Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho hay, trong tháng 3 vừa qua, nắng nóng và nhiệt độ tăng cao nhưng vẫn có nhiều hộ nuôi thành công nhờ có ao lắng lớn, tích trữ nước từ cuối năm ngoái khi độ mặn thấp, nuôi tôm với mật độ vừa phải 30-50 con/m2.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các loài thủy sản nuôi
Đối với tôm nuôi: Độ mặn thay đổi đột ngột khiến tôm sẽ bị sốc, sức đề kháng yếu, dễ nhiễm các loại bệnh; độ mặn cao trên 30 g/l, tôm thường bị bệnh, nhất là đốm trắng và đầu vàng; độ mặn tăng cao là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của một số mầm bệnh như vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio, đặc biệt độ mặn và nhiệt độ tăng cao sẽ làm gia tăng bệnh hoại tử gan tụy (có thể là một trong những nguyên nhân chính làm dịch bệnh này gia tăng trong năm nay).
Đối với nhuyễn thể: Độ mặn dưới 3,8 g/l hoặc trên 33 g/l ảnh hưởng tới khả năng sống của sò huyết; độ mặn trên 30 g/l ảnh hưởng tới khả năng sống của nghêu; độ mặn và nhiệt độ tăng cao (mùa gió chướng) làm nghêu chết hàng loạt.
Đối với thủy sản nước ngọt: Các loài cá tra, lóc, trê… có tỷ lệ sống thấp ở độ mặn trên 14 g/l; độ mặn tăng làm giảm tỷ lệ sinh trưởng của nhiều loài cá… (Nguồn Cục Thú y).