Theo Mike Urch, nguyên tổng biên tập tạp chí Seafood Source, những thông tin sai lệch về cá tra Việt Nam là một phần nguyên nhân khiến tiêu thụ loài này tại EU giảm. Hiện tượng bôi xấu cá tra Việt Nam bắt đầu từ Đức sau khi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đưa cá tra vào danh sách đỏ những loài cần tránh tiêu thụ. Tiếp đó, truyền hình Đức đã đăng tải những thông tin sai lệch về việc sử dụng lao động cũng như quy trình nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam.
Do những hành vi bôi xấu cá tra, người tiêu dùng EU đã nhận thức sai lệch, có quan điểm tiêu cực đối với cá tra và mô hình nuôi cá tại Việt Nam mà không biết rằng cá tra XK của Việt Nam được kiểm định chất lượng nhiều hơn bất kỳ loài thủy sản nào trên thế giới. Một vài ý kiến lập luận rằng cá tra nhiễm chất cấm nhưng không chỉ ra được trường hợp nào bị ngộ độc khi tiêu thụ cá này.
Cho dù những hành vi bôi xấu cá tra này không còn được nhắc đến, nhưng những hiểu biết sai lệch vẫn gắn liền với hình ảnh con cá tra. Trước đó, phải mất nhiều năm người tiêu dùng mới thôi nghĩ rằng cá hồi nuôi bị bơm chích kháng sinh, và cho đến nay loài cá này vẫn chưa được kinh doanh phổ biến ở một số khu vực.
Trong bối cảnh các nước EU rơi vào suy thoái kinh tế, đáng lẽ tiêu thụ cá thịt trắng có giá cả hợp lý hơn phải tăng mạnh nhưng ngược lại, XK cá tra sang EU vẫn sụt giảm. Điều này cho thấy người tiêu dùng EU tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những thông tin bôi xấu cá tra và chưa có cơ hội tiếp cận thông tin từ chính ngành cá tra Việt Nam.
Hiện từng DN XK đơn lẻ của Việt Nam đều có sách giới thiệu về sản phẩm cá tra nhưng hầu như chỉ dành cho các đối tác thương mại tiềm năng mà quên đi người tiêu dùng và các đối tượng kinh doanh nhà hàng. Liệu sự sụt giảm XK có khiến ngành cá tra Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa khâu tiếp thị sản phẩm tại EU?