Chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu thủy sản
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu khu vực và xuất khẩu thủy sản trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14% so với năm 2014, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp và 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Trong đó, cá tra đạt khoảng 1.608 triệu USD chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản.
Được ưu đãi bởi những điều kiện thiên nhiên thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là trung tâm cá tra của cả nước. Đến cuối năm 2014, diện tích nuôi cá tra khu vực ĐBSCL ước đạt 5.900 ha, sản lượng 1.123 ngàn tấn. Trong đó, các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long (chiếm khoảng 85% tổng diện tích và sản lượng cá tra của ĐBSCL). Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã trở thành ngành kinh tế chiến lược, thu hút trên 200.000 lao động, hơn 70 cơ sở chế biến phi lê cá tra đông lạnh, đóng góp lớn cho phát triển ngành thuỷ sản nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói riêng.
Chính vì tầm quan trọng của con cá tra mà nhiều chính sách quản lý, hỗ trợ ngành cá tra đã ra đời trong đó có Nghị định 36/2014/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành trong năm 2014 nhằm đưa ngành cá tra phát triển toàn diện, có quy hoạch và được quản lý chặt chẽ. Đây là Nghị định đầu tiên về một đối tượng nuôi chủ lực, có lợi thế, với mục tiêu hướng tới xây dựng thương hiệu cho cá tra, lấy chất lượng làm trọng theo hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu chiến lược và có tác động lớn tới hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20.6.2015, tuy mới chỉ triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã tạo những bước đi hết sức căn bản, đảm bảo cho sự phát triển dài hạn, hạn chế các vụ tranh chấp, kiện tụng chống bán phá giá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và Đạo luật nông nghiệp của Mỹ. Đó là việc quy hoạch lại vùng nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương), cấp mã số vùng nuôi, yêu cầu về công bố thông tin, về tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm và đăng ký hợp đồng…
Nhìn một cách tổng quan, ngành hàng cá tra khá hấp dẫn do có mức sinh lời cao, nhưng đánh đổi là những người tham gia chuỗi giá trị cá tra phải chịu những rủi ro rất lớn do giá cả đầu vào và đầu ra biến động lớn, đặc biệt là các hộ nuôi. Thực tế cho thấy nhiều năm qua, sản lượng cá tra dư thừa dẫn đến giá cá nguyên liệu giảm mạnh, số hộ thua lỗ ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp chế biến cá tra hiệu quả kinh doanh thấp trong khi sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế chưa cao.
Việc xuất khẩu ngày càng khó khăn do những rào cản kỹ thuật, đặc biệt thuế chống bán phá giá từ Mỹ và EU; sự liên kết hợp tác trong sản xuất yếu; việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương còn chậm, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; chất lượng sản phẩm cá tra không đảm bảo,.... Bên cạnh đó, ngành cá tra luôn bị đe dọa bởi ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong khi công tác quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả.
Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cá tra
Để tháo gỡ khó khăn trên, cần phải tổ chức lại sản xuất ngành cá tra theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng. Trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng nhằm khuyến khích đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững ngành cá tra Việt Nam.
Bên cạnh các chính sách chung, NHNNVN đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho sản phẩm cá tra của khu vực ĐBSCL như: Chỉ đạo 5 NHTM nhà nước tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với chăn nuôi, thủy sản; cho phép lĩnh vực nuôi cá tra và tôm được hưởng chính sách tín dụng như: khách hàng gặp khó khăn được giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ hiện nay là 7%/năm để tiếp tục sản xuất vượt qua khó khăn.
Với nỗ lực của toàn ngành ngân hàng, dư nợ cho vay đối với ngành cá tra đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh khu vực ĐBSCL. Dư nợ cho vay nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra tăng đều qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 9% và chiếm khoảng 50% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực ĐBSCL. Đến 30.9.2016, dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt khoảng 22.600 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2015.
NHNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đối với ngành cá tra (từ khâu nuôi trồng, thu mua, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu) để định hướng ngành cá tra phát triển hiệu quả, bền vững.