Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 628 lồng/118 bè nuôi tôm hùm, các bè tập trung chủ yếu tại khu vực C1, C2 của vịnh Phan Rang và một số ít tại khu vực vịnh Vĩnh Hy, Cà Ná. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tuy nhiên, do giống tôm hùm bông khai thác từ tự nhiên khan hiếm và giá bán cao, thời gian nuôi dài, chi phí đầu tư lớn và giá bán dễ bị biến động nên nhiều hộ thả nuôi tôm hùm xanh do chủ động được nguồn giống, dễ nuôi, ít bị biến động giá, thời gian nuôi ngắn và chi phí đầu tư thấp, tỷ lệ thành công cao.
Ông Đặng Văn Tín, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Nhìn chung hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè của các hộ nuôi trong thời gian gần đây phát triển khá mạnh. Tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Giá tôm thương phẩm khá cao nên hầu hết người nuôi đều có lãi. Riêng trong năm 2017, sản lượng thu hoạch tôm hùm đạt khoảng 30,4 tấn, đạt 253,3% kế hoạch. Với giá tôm dao động từ 1,2-1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 600-700 ngàn đồng/kg đối với tôm hùm xanh nên nhiều hộ nuôi rất phấn khởi và mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm lồng bè.
Là một trong những hộ nuôi tôm hùm đầu tiên trong tỉnh, ông Phan Văn Hoa ở phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề. Theo ông Hoa, lúc đầu, gia đình chỉ nuôi thử nghiệm vài lồng và nhận thấy tôm hùm rất thích hợp với điều kiện môi trường, khí hậu tại vùng biển trong tỉnh, tôm sinh trưởng nhanh và có giá trị thương phẩm cao nên đến nay gia đình ông đã mở rộng lên 40 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán 4 lần, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu từ 600 đến 800 triệu đồng. Vụ này, ông đang xuất bán khoảng 5.000 con tôm hùm xanh với giá bán từ 700.000 đến 750.000 đồng/kg. Ông Hoa cho biết: Nghề nuôi tôm hùm khá thuận lợi do nguồn thức ăn cho cho tôm dễ kiếm. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng, tôm hùm được các thương lái về tận nơi thu mua. Thu nhập từ nghề nuôi tôm hùm có thể cao gấp 2 đến 4 lần so với nuôi trồng đối tượng khác. Để tôm hùm lớn nhanh mà không bị bệnh, người nuôi cần thường xuyên làm vệ sinh lồng bè, căn thả mật độ nuôi hợp lý. Trong thời gian từ 10 đến 12 tháng, khi tôm hùm đạt trọng lượng từ 3 con/kg thì có thể xuất bán.
Mặc dù nghề nuôi tôm hùm trong thời gian qua phát triển khá mạnh, tuy nhiên khó để mở rộng quy mô. Nguyên nhân chủ yếu do vịnh Phan Rang là vùng biển hở, không có đảo che chắn nên vào mùa gió Tây Nam thường chịu ảnh hưởng của sóng to gió mạnh, kết cấu lồng bè theo kiểu truyền thống không chịu được, người nuôi thường xuyên di chuyển lồng bè trú ẩn nên hoạt động sản xuất không ổn định. Ông Đặng Văn Tín, cho biết thêm: Trong thời gian tới, để nghề nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả và bền vững, người nuôi cần tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, chủ động trong việc cung cấp giống, đồng thời các cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật thiết kế lồng bè, kiểm soát dịch bệnh, tổ chức tốt từ khâu chọn giống, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, liên kết thị trường tiêu thụ để nghề nuôi tôm hùm ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhờ hoạt động nuôi tôm hùm nên đời sống của nhiều ngư dân được cải thiện đáng kể. Nghề nuôi tôm hùm phát triển đã góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế về môi trường biển, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.