Đơn cử như vào tối ngày 6-3-2018, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 6 xe tải biển kiểm soát Ninh Thuận vận chuyển 10 triệu con tôm giống đi tiêu thụ nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch, không nhãn mác. Đoàn kiểm tra đã đưa các xe vận chuyển tôm giống trên về trạm kiểm dịch cố định, tiến hành kiểm dịch bắt buộc, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chưa thể xác định được nguồn gốc giống ở đâu, nhưng đây là những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm giống Ninh Thuận. Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, vận chuyển giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các tỉnh bạn trong việc trao đổi thông tin quản lý tôm giống và tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong công tác thú y, thủy sản, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp.
Kiểm tra chất lượng tôm giống.
Trong năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phát hiện xử lý 26 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp đối với 8 tổ chức, 9 cá nhân vi phạm với số tiền 92 triệu đồng. Chủ yếu các hành vi như: không có giấy chứng nhận kinh doanh, không đúng địa điểm cách ly tôm bố mẹ, sử dụng tôm bố mẹ quá thời hạn cho phép, trốn kiểm dịch tại đầu mối giao thông. Từ đầu năm 2018 đến nay, qua thanh kiểm tra đã phát hiện, xử lý 1 trường hợp vi phạm không thực hiện việc kiểm dịch thủy sản, xử phạt 4,5 triệu đồng.
Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm: Một số cơ sở nhỏ lẻ lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để lén lút vận chuyển, cung cấp sản phẩm tôm giống chưa qua kiểm dịch ra thị trường. Nếu như trước đây, khi vận chuyển con giống ra khỏi cơ sở phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng nay theo quy định mới, chỉ kiểm dịch tôm giống xuất bán ra ngoài tỉnh mà không bắt buộc đối với sản phẩm nuôi trong tỉnh, nên các cơ sở đã lấy lý do này để tránh kiểm dịch. Một khó khăn nữa trong việc xử lý đối với sản phẩm tôm giống không rõ nguồn gốc, đó là không được tiêu hủy ngay mà phải tiến hành kiểm định lại, nếu không phát hiện dịch bệnh lại tiếp tục cho lưu thông. Trong lúc tôm giống là sản phẩm hàng hóa sống, không thể lưu giữ lâu, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh lẫn thanh tra xử lý.
Nhằm tăng cường kiểm soát quản lý sản phẩm tôm giống xuất ra thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập Tổ kiểm dịch, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường lập chốt tại xã Cà Ná-địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, để kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm dịch, theo dõi chặt chẽ quá trình sản xuất bằng hệ thống dữ liệu đối với từng trại nuôi. Cùng với công tác quản lý và thanh, kiểm tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, phối hợp với Chi cục Thủy sản tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Toàn tỉnh, hiện có 450 cơ sở sản xuất giống thủy sản tập trung tại 3 khu vực gồm xã An Hải (Ninh Phước), xã Tri Hải và Nhơn Hải (Ninh Hải) và khu vực Cà Ná (Thuận Nam). Trong những năm qua, sản lượng lẫn chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Riêng năm 2017, toàn tỉnh đã sản xuất đạt gần 25 tỷ con tôm giống. Theo kế hoạch năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu sản xuất đạt 26 tỷ con tôm giống. Để hoàn thành mục tiêu đề ra và phát huy thế mạnh phát triển lâu dài, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đảm bảo uy tín, thương hiệu tôm giống Ninh Thuận.