LTS: Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Nông dân (ND) các cấp, trong những năm qua, nhiều Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó khẳng định, chủ trương, chính sách tạo dựng cơ sở vật chất và bổ sung, bồi dưỡng nhân lực cho hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân của Hội ND Việt Nam là đúng, phù hợp với xu hướng hội nhập.
Dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế
Ông Nguyễn Ngọc Duyên – nguyên Chủ tịch Hội ND xã An Đức cho biết: “Năm 2004, UBND xã An Đức có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ nông dân trên vùng chuyển đổi nên bà con tham gia rất nhiệt tình. Đến nay, toàn xã có 130 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 117ha”.
Cũng theo ông Duyên, thời điểm đó, đa số các hộ dân nuôi cá theo tập quán, kinh nghiệm, không quan tâm tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên cá còi cọc, chậm lớn, năng suất kém dẫn đến thu nhập không cao. “Hội ND xã xác định việc cần làm nhất lúc bấy giờ là trang bị kiến thức nuôi cá bài bản cho bà con. Năm 2007, Hội ND xã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt cho 35 người. Trong thời gian học nghề, bà con được các giáo viên hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn cá và cách xử lý môi trường ao nuôi… Không chỉ trang bị lý thuyết mà các học viên còn được thực hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc” ngay tại ao nuôi nhà mình. Vì vậy, học đến đâu, bà con áp dụng được ngay đến đó.
“Các học viên nêu ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn. Giảng viên nêu các câu hỏi và giải đáp cho học viên, tạo không khí lớp học luôn sôi nổi, hứng thú. Theo quy định, số học viên tối đa mỗi lớp chỉ 35 học viên, nhưng buổi học nào lớp học nuôi trồng thủy sản cũng có thêm nhiều học viên dự thính. Lớp không đủ chỗ ngồi, các học viên mượn ghế ngồi ngoài nghe giảng bài” - ông Duyên nhớ lại.
Thu nhập cải thiện rõ rệt
Cũng theo ông Duyên, sau thành công của lớp học nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt đầu tiên, tính đến nay Hội ND xã còn mở thêm 2 lớp dạy nghề cho hơn 70 hộ nuôi cá. Bên cạnh đó, để người nuôi cá có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá, thông tin thị trường tiêu thụ, năm 2013, Hội ND đã đứng lên thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nuôi trồng thủy sản xã An Đức với 50 thành viên tham gia với 70ha nuôi cá nước ngọt.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá, ông Đoàn Thành Luật ở thôn Ứng Mộ, xã Đức An nắm khá chắc kỹ thuật nuôi cá. Vậy mà khi có bất kỳ lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt nào mà Hội ND đứng ra tổ chức, ông Luật đều tham gia học đầy đủ. Ông Luật chia sẻ: “Mỗi lần học nghề tôi lại vỡ vạc ra nhiều kỹ thuật mới. Chẳng hạn trước kia, để cá bị bệnh tôi mới lo chữa trị, nhiều khi xử lý chậm trễ cá chết trắng ao, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Tham gia lớp học nghề nuôi cá năm 2013, tôi đã biết cách chủ động phòng dịch bệnh cho đàn cá. Cứ 20 ngày tôi lại xử lý nguồn nước 1 lần. Khử trùng nguồn nước sạch sẽ, cá lớn nhanh, không có dịch bệnh”.
Được đào tạo nghề bài bản, thu nhập của gia đình ông Luật đã cải thiện rõ rệt. “Với hơn 1ha mặt nước, mỗi năm tôi có doanh thu hơn 1 tỷ đồng từ việc xuất bán hơn 15 tấn cá thương phẩm và 25 vạn cá giống” - ông Luật tiết lộ.
Trong 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức đào tạo được 165 lớp nghề cho 5.755 lao động nông thôn, trong đó có 145 lớp dạy nghề nông nghiệp (tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề là 100%), 20 lớp dạy nghề phi nông nghiệp (tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề là 85%).
Cùng quan điểm với ông Luật, ông Lê Viết Võ ở xã Đức An phấn khởi nói: Với diện tích 1 mẫu nuôi cá, trước khi học nghề tôi chỉ thu nhập khoảng 40 triệu đồng là cao. Sau khi được học nghề bài bản, tôi nuôi cá mát tay hẳn. Cá lớn nhanh, ít bệnh tật. Mỗi năm xuất bán hơn 10 tấn cá thương phẩm tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Ông Duyên cho biết thêm, sau đào tạo nghề, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương còn có nhiều hình thức hỗ trợ nông dân như cử 1 kỹ sư chuyên trách về nuôi trồng thủy sản là anh Nguyễn Hữu Học theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn thêm cho các hộ. Bên cạnh đó, Hội ND xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các hội viên vay các nguồn vốn ưu đãi như Quỹ Hỗ trợ nông dân của T.Ư Hội NDVN. Tháng 1.2014, với dự án “Thâm canh cá nước ngọt”, 25 hộ của CLB được vay 500 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Duyên khẳng định: “Nhờ được đào tạo nghề bài bản và có thêm nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương, hầu hết các hộ dân ở xã An Đức đã có thu nhập cao từ nghề nuôi trồng thủy sản. Việc mỗi hộ có doanh thu từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng không phải hiếm”.