Thời điểm này, tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại ngày nào cũng có hàng chục máy cạp đất đua nhau bứng dừa, đào ao nuôi tôm. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng ngàn cây dừa bị đốn hạ. Khi địa phương xử lý mạnh tay việc làm không đúng quy hoạch này, thì người dân chuyển sang đào ao ban đêm.
Ông Phạm Văn Bảy, người vừa cho đốn hạ mấy chục cây dừa để chuyển sang ao tôm, cho biết: “Bà con chặt dừa do giá cả, thấy kinh tế dừa hàng năm không ổn định, một phần những vườn đào ao là năng suất dừa không có, dạng đất trũng, bìa chéo”.
Sở dĩ người dân bỏ dừa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng là vì lợi nhuận trước mắt. Bình quân nuôi tôm thẻ chỉ sau 3 tháng có thể thu được cả trăm triệu đồng/ha. Trong khi đó trồng dừa hay trồng lúa giá cả lại quá bấp bênh. Lúc được giá cả năm cũng chỉ thu được vài chục triệu đồng, bằng không chỉ lấy công làm lời hoặc bị lỗ vốn. Do đó, dù biết sai phạm và có nhiều rủi ro khi nuôi tôm nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt đầu tư.
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động và xử lý đối với trường hợp sử dụng đất sai mục đích và cả người sử dụng phương tiện đào đất, khoan giếng ngầm để lấy nước nuôi tôm. Tuy nhiên, do sức hút từ lợi nhuận ban đầu của con tôm thẻ chân trắng nên chính quyền địa phương không thể ngăn chặn được triệt để tình trạng đào ao nuôi tôm.
Bà Trần Thị Thu An, Bí thư Đảng ủy xã Phú Vang cho biết: “Do một số hộ ý thức chấp hành chủ trương còn kém. Vì lợi nhuận kinh tế trước mắt họ sẵn sàng phá vỡ quy hoạch. Rất khó khăn trong việc vận động”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, đến thời điểm này, toàn huyện có gần 1.500 hộ dân tự ý đào ao nuôi tôm trên đất nông nghiệp, trên diện tích 700 ha và có hơn 900 giếng khoan tầng sâu để lấy nước mặn. Không chỉ phá vỡ quy hoạch mà trong quá trình nuôi chỉ chú trọng xây dựng ao nuôi, thiếu quan tâm đến hệ thống cấp thoát nước làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm và làm biến đổi hệ sinh thái khu vực Bắc Bến Tre.
Theo ông Lê Phong Hải, Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, “do hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre không được đầu tư đồng bộ, nên xảy ra tình trạng sản xuất da beo, mặn ngọt đan xen. Rất khó khăn trong việc quản lý và phát triển của ngành”.
Trên thực tế, việc xử lý trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất nông nghiệp là rất khó khăn, nhất là vùng sản xuất kém hiệu quả như Bắc Bến Tre. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường xử lý vi phạm, ngành chức năng cần tiến hành xác định chủng loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương, để định hướng cho nông dân sản xuất đảm bảo hiệu quả kinh tế tránh phá vỡ quy hoạch./.