Cá giống đạt năng suất cao, đảm bảo chất lượng và được mùa, được giá nên nông dân TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) rất vui mừng, phấn khởi. Ghi nhận tại phường Hiệp Hòa, nơi có diện tích nuôi cá chép giống và cá diêu hồng giống.
Gắn bó với nghề nuôi cá giống hơn 35 năm qua, mùa vụ này là lần đầu tiên gia đình ông Huỳnh Văn Hài được thu hoạch đợt cá vào thời điểm đầu năm.
Sau gần 4 tháng chăm sóc, toàn bộ cá chép giống của gia đình đã được xuất bán ra thị trường để cung ứng cho người dân nuôi thương phẩm ở các tỉnh như: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang.
Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cá chép giống sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao.
Theo ông Hài, với diện tích ao nuôi cá khoảng 10.000m2, sản lượng cá chép giống thu hoạch đợt này ước khoảng 3 tấn.
Cá chép giống được thương lái thu mua khoảng 80 ngàn đồng/kg. Được mùa và giá cả ổn định, gia đình ông rất phấn khởi thu hoạch.
Ông Huỳnh Văn Hài cho biết:“Tôi thật bất ngờ khi được thương lái đặt mua cá chép giống vào dịp khai xuân. Lứa cá này ước đạt khoảng 3 tấn, lợi nhuận chắc cũng được vài chục triệu, đó cũng là tín hiệu vui của gia đình đầu năm. Nuôi mà để đạt con cá ra có uy tín trên thương trường là vấn đề cần phải tính toán, con giống quan trọng rồi và chăm sóc còn quan trọng nữa, nuôi phải đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm, từ đó mình chăm bón theo nó hàng ngày...".
Phường Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có tổng diện tích nuôi cá giống khoảng 5 ha, trong đó chủ yếu cá chép và cá diêu hồng.
Ông Châu Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết:“Hiện nay, trên địa bàn phường Hiệp Hòa còn 6 hộ đang nuôi cá giống để xuất bán cho người dân nuôi thương phẩm ở các tỉnh miền Tây. Nếu tính hết tất cả một năm, năng suất thu hoạch đạt khoảng trên 10 tấn cá giống.
Do đó đầu ra, chủ yếu là nơi tiêu thụ rất quan trọng. Cụ thể như hộ anh Huỳnh Văn Hài nuôi cá giống loại nhỏ, còn các hộ khác thì nuôi cá giống loại to hơn, cá 1kg khoảng chừng 20-30 chục con. Mỗi người nuôi một cỡ cá khác nhau để tránh tình trạng trùng lắp nhau, khó tiêu thụ.”