Theo ông Lê Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, đến nay, An Biên đã hình thành nhiều mô hình sản xuất đa dạng về nuôi trồng thủy sản, như nuôi tôm sú, thẻ chân trắng với nhiều loại hình: tôm – lúa, tôm – cua trong ruộng lúa; nuôi tôm quảng canh cái tiến, tôm công nghiệp; nuôi sò, hến vùng mặt nước biển và dưới tán rừng ngập mặn. Trong đó, đáng chú ý phong trào nuôi cá bống mú vùng nước lợ, nước ngọt ven biển của nông dân xã Nam Yên, Tây Yên A đang nổi lên.
Là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện An Biên nhiều năm, ông Trương Bá Đương, ngụ ấp Rẫy Mới, xã Tây Yên A luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích lũy nhiều kinh nghiệm phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Hơn 10 năm nuôi cá sặc rằn, ông Đương nắm vững kỹ thuật nuôi và cho sinh sản cá sặc rằn giống hiệu quả nhất. Thế nhưng, gần đây ông Đương chuyển sang mô hình nuôi cá bống tượng và mới đây đã cho thu về tiền lãi gần 100 triệu đồng trong 8 vèo thả nuôi (tương đương gần 800m mặt nước). Theo ông Đương, nghề nuôi cá bống tượng đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, chịu khó theo dõi và nắm bắt tình hình dịch bệnh. Vì vậy, ông Đương sáng kiến nuôi cá bống tượng trong vèo để dễ dàng theo dõi sự phát triển của cá và quản lý dịch bệnh trên cá.
Còn tại xã ven biển Nam Yên, nhiều người thả nuôi cá bống, nhưng hiệu quả nhất là mô hình nuôi của hộ ông Nguyễn Việt Bình, ngụ ấp Ba Biển B. Theo ông Bình, hiện nay đang thả nuôi 31 ao đất, mỗi ao có diện tích 5.000m2, thả gần 4.000 con cá bống mú trân châu, nuôi theo dạng công nghiệp. Đây là loài cá giống nhập về từ Inđônêsia, cá giống đồng đều, lớn nhanh và ít hao thức ăn hơn cá bống mú đen. Thị trường tiêu thụ cá bống mú trong và cả ngoài nước rất ưa chuộng, bán cao hơn các loại cá bống mú khác từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. So với nuôi tôm công nghiệp (trước đây ông Bình nuôi tôm công nghiệp), nghề nuôi cá bống mú theo quy trình công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ít rủi ro. Hiện nay, cá thương phẩm loại 1 từ 800 gram - 1,2kg/con, giá bán từ 240.000 đồng - 260.000 đồng/kg, mỗi ao cho thu hoạch từ 1,7 - 2 tấn cá, trừ chi phí đầu tư, ông Bình còn lãi gần 200 triệu đồng/ao, mỗi năm ông Bình thu lãi gần 10 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Việt Bình, cá bống mú là loại khó nuôi, thích hợp với môi trường nước sạch và có độ mặn vừa phải (nước lợ). Loại cá bống mú rất háo ăn, cá giống mua về phải phân loại thành các kích cỡ khác nhau, thả nuôi trong nhiều ao để tránh hiện tượng cá lớn ăn cá nhỏ. Nguồn thức ăn chính của chúng là loại cá tạp, sau 9 - 10 tháng thả nuôi là thu hoạch.
Theo ông Lê Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, hiện nay, trên địa bàn có gần 100 ha được thả nuôi các loại cá bống mú của bà con sinh sống ven biển trong huyện. So với nuôi cá lồng bè, nuôi cá bống mú trong ao đất có nhiều thuận lợi, như tiết kiệm được chi phí đầu tư ao nuôi so với lồng bè trên biển gần 50%. Ngoài ra, người nuôi có thể dễ dàng quản lý ao nuôi, dịch bệnh, tiết kiệm chi phí vận chuyển cá sau thu hoạch từ bờ vào đất liền. Hiện thương lái vào tận nơi mua và tự chuyên chở cá bống mú. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nuôi cá bóng mú trong ao đất cũng có hạn chế, việc quản lý nguồn nước trong ao phải nghiêm ngặt, ao nuôi phải thường xuyên thay nước, đảm bảo cá không bị thiếu ô xy, nhiễm bệnh./.