Anh Cao Phú Khánh, ở ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa mới hơn 30 tuổi nhưng là chủ của 1 trang trại nuôi thủy sản lớn nhất ở Long Thạnh. Năm 2010, trong một lần đến Đồng Tháp, anh học hỏi được kinh nghiệm nuôi ếch rồi mạnh dạn đầu tư nuôi 1.000 con ếch.
Theo anh Khánh: “Để có được thành công thì cần phải có sự đam mê và chịu học hỏi. Cái khó của nghề nuôi ếch là không tìm được chỗ tiêu thụ sản phẩm, nhiều lần, tôi phải chở ếch lên chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) để bán”.
Trước đây, khi mới bắt đầu nuôi, anh chỉ nuôi ếch thịt, nhưng dần dà thấy nhiều người có nhu cầu nuôi ếch, anh tự mày mò cho ếch sinh sản. Đến mùa ếch sinh sản, anh chọn những cá thể khỏe mạnh, không dị tật, nhốt riêng. Sau khi ếch cái mang thai được nhốt riêng ở bể chứa khác.
Ếch đẻ khoảng 1.500-3.000 trứng/lần. Từ 18-21 giờ ở nhiệt độ 23-27oC, trứng ếch nở thành nòng nọc, rồi từ nòng nọc, anh tiếp tục chăm sóc thành ếch con, cung cấp con giống cho nông dân. Quá trình này nghe thì đơn giản nhưng để làm được điều đó, anh Cao Phú Khánh phải vất vả đến nhiều nơi học hỏi kỹ thuật. Hiện nay, anh nuôi khoảng 1.500 ếch cái và 6.400 ếch con, ếch thương phẩm.
Anh Cao Phú Khánh
Không dừng lại ở việc nuôi ếch, khi thấy nguồn cá trê vàng và cá rô giống khan hiếm, anh mạnh dạn “lấn sân” sang cung cấp cá giống. Hiện trong ao của anh có 5-7 vèo cá rô và cá trê vàng với khoảng 1,5 tấn cá bố mẹ. Với số lượng này, mỗi tuần, anh có thể xuất bán 2-4 tấn cá giống với giá 85.000 đồng/kg cá rô (200 con), 80.000 đồng/kg cá trê vàng (180-200 con).
Từ những kinh nghiệm đúc kết được sau vài lần thất bại, đến nay, anh Khánh tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá và nuôi ếch. Nhiều nông dân xem anh như một người thầy, người anh, người bạn thân thiết để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Anh đang ấp ủ dự định nuôi thử nghiệm 1ha tôm càng xanh trong ruộng lúa và hy vọng sẽ thành công với mô hình mới này./.