Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch Hiệp hội cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng cho biết, nghề nuôi cá bống bớp xuất hiện hơn 20 năm nay. Hiện, toàn huyện có khoảng 400 hộ nuôi loài cá này.
Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, các hộ nuôi đã liên kết với nhau theo chuỗi khép kín. Theo đó, chuỗi này được SX an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu SX cung ứng giống đến khâu nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ.
Nhờ đó mà thương hiệu “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” ngày càng được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ mở rộng hơn, hiện cá bống bớp đã xuất ngoại (sang Trung Quốc). Sản lượng cá bống bớp của hội tăng lên theo từng năm.
“Toàn hội có hơn 100 hộ tham gia chuỗi nuôi cá bống bớp thương phẩm sạch. Các hộ đã cùng ký cam kết tuân thủ nghiêm quy chế mà hiệp hội đã đề ra như liên kết hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn và thị trường. Kiên quyết đấu tranh với mọi thủ đoạn gian lận trong SX, kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh”, ông Độ nhấn mạnh.
Là một trong những hộ nuôi cá bống bớp nhiều nhất huyện, từ lâu ông Nguyễn Văn Sơn (xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng) được mệnh danh là “vua cá bớp” tại địa phương. Và, ông cũng là người đi đầu trong phong trào nuôi cá bống bớp theo hướng VietGAP.
Ông Sơn chia sẻ, hiện gia đình ông đang sở hữu trang trại cá bống bớp với mức đầu tư cả tỷ đồng với công nghệ hiện đại. Trang trại được chia làm 3 khu (khu vực ương giống, khu vực ươm giống và khu vực nuôi cá thương phẩm). Toàn bộ được SX theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với hơn 100 bể ương giống (mỗi bể có thể tích 6m3), ông Sơn đang nuôi hơn 1 tấn cá bống bớp bố mẹ, mỗi năm SX hơn 9 triệu con giống. Từ SX con giống, cá thương phẩm mỗi năm ông Sơn có thu nhập hơn 5 tỷ đồng.
Cá bống bớp phải đạt 1,5 – 2 lạng/con thì mới đạt tiêu chuẩn
Theo ông Sơn, từ lúc ương cá giống đến khi xuất bán thành phẩm, cá bống bớp phải mất thời gian khoảng 10 tháng. Lúc này, trọng lượng cá phải đạt 1,5 - 2 lạng/con thì mới đạt yêu cầu để xuất ra ngoài thị trường.
Thức ăn cho cá bống bớp chủ yếu là cá tạp được mua ngoài biển, đã được rửa sạch, vứt bỏ đầu, ruột và xay nhỏ. Tuyệt đối không sử dụng cám công nghiệp nên thịt cá luôn luôn chắc, giàu dinh dưỡng, rất phù hợp cho trẻ nhỏ, người già và người ốm.
Sau mỗi vụ thu hoạch, ông Sơn lại đem cá bống bớp thương phẩm ra ngoài Hải Phòng để kiểm tra chất lượng. Kết quả rất mỹ mãn nên được rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước tin cậy.
“Do áp dụng nghiêm ngặt các quy định trong chăn nuôi nên trong nhiều năm qua, cá bống bớp được nuôi tại trang trại của gia đình được người tiêu dùng tin cậy và thị trường đã được mở rộng hơn, phía Trung Quốc cũng đã hợp đồng thu mua sản phẩm nhiều năm liền”, ông Sơn cho hay.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyên, một chủ cơ sở nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông bộc bạch, là một trong những cơ sở tham gia chuỗi nuôi cá bống bớp nên cơ sở luôn chấp hành, tuân thủ các quy định trong chăn nuôi cá bống bớp mà hiệp hội đã đề ra. Vì vậy, cá luôn đạt chất lượng tốt, được các thương lái tranh nhau thu mua, có thương lái còn “đặt cọc” tiền trước.
Chất lượng thơm ngon nhưng giá cá bống bớp cũng phải chăng, dao động từ 280 - 300 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ của gia đình anh chủ yếu là trong và ngoài tỉnh (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội…).
“Là loại thủy sản có sức đề kháng tốt, được xuất bán dưới dạng tươi sống nên để di chuyển cá sống tới các cơ sở chế biến thì cá phải được phân loại và cho vào thùng xốp, ở giữa thùng có một lỗ rộng khoảng 5 x 10cm vừa đủ cho cục đá lạnh, nhằm duy trì nhiệt độ, giúp cá sống từ 5 - 7 ngày trong suốt quá trình vận chuyển”, anh Tuyên bật mí.
Năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bống bớp Nghĩa Hưng” và đến năm 2016, cá bống bớp Nghĩa Hưng đã được Bộ NN-PTNT xác nhận là 1 trong 69 chuỗi nông sản sạch, cần được giới thiệu rộng rãi và quảng bá tới người tiêu dùng.