Nhiều hộ đã đưa cá trắm đen vào thả ghép nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như trai, ốc sẵn có trong ao với mục đích dùng thực phẩm cải thiện đời sống gia đình. Trong khi nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng hạn hẹp và chi phí nuôi theo phương pháp truyền thống có mức đầu tư cao nên để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả bền vững cần áp dụng các tiến bộ về khoa học, đổi mới phương pháp nuôi, đặc biệt là nguồn thức ăn cho cá. Trên cơ sở đó, được sự nhất trí của Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh, sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư đã thực hiện Đề tài khoa học “Ứng dụng nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp”.
Đề tài được triển khai tại 3 điểm thuộc 3 huyện: Quế Võ, Lương Tài và Gia Bình, với tổng quy mô 0,7ha. Cá trắm đen thả có kích cỡ 17-20cm (150-200g/con), mật độ 0,4 con/m², cá giống khỏe mạnh đồng đều về kích cỡ, không mang mầm bệnh. Để tận dụng thức ăn tự nhiên trong ao hồ, các hộ tham gia đề tài đều ghép thêm cá mè trắng với mật độ 0,2 con/m² để làm trong nước đồng thời không cạnh tranh thức ăn với cá trắm đen.
Qua thời gian triển khai đề tài (từ tháng 4-2014 - tháng 3-2016) các hộ tham gia đề tài đều có kết quả đạt và vượt so với dự kiến đưa ra. Kết quả nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp đã đạt được tiêu chí kỹ thuật như tỷ lệ sống trung bình đạt 95,3%, cỡ cá khi thu hoạch trung bình đạt 4,66kg/con, hệ số thức ăn trung bình 3, năng suất trung bình 17,7 tấn/ha/2 năm. Với giá bán khoảng 110.000đ/kg cho lãi ròng khoảng 558,55 triệu đồng/ha/2 năm (279,27 triệu đồng/ha/năm), cao hơn so với nuôi cá thông thường từ 100-120 triệu đồng/ha/năm.
Theo anh Ngô Xuân Trường, thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, Lương Tài - Nông dân trực tiếp tham gia đề tài, chia sẻ kinh nghiệm: “Cá trắm đen là loài cá dễ nuôi, nhưng để cá có thể ăn được thức ăn công nghiệp thì cá giống phải được thuần hóa luyện cho ăn thức ăn công nghiệp từ nhỏ và chỉ nuôi cá trắm đen hoặc ghép cá mè trắng, ngoài ra không được thả bất cứ loài cá nào khác, bởi nó tranh thức ăn của cá trắm đen làm cá chậm lớn và kém phát triển. Nuôi cá trắm đen công nghiệp cần có vốn và khả năng đầu tư, bởi nuôi cá trắm đen mất 1,5-2 năm mới thu hoạch, do đó ngoài việc phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên thuận lợi hay không, người nuôi cá trắm đen cần phải có tiềm lực về kinh tế”.
Cùng với 3 mô hình được triển khai tại các điểm, đề tài cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan mô hình cho hơn 20 cán bộ kỹ thuật và 195 hộ nuôi trồng thủy sản nắm vững Quy trình kỹ thuật nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp và phát triển nuôi mở rộng cho các năm sau. Theo báo cáo của Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố, thị xã, sau khi hội nghị đầu bờ về nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp được tổ chức, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 30 hộ nuôi cá đã áp dụng và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
Đề tài khoa học “Ứng dụng kỹ thuật nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp” đã xây dựng được quy trình kỹ thuật nuôi và chuyển giao tới các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhu cầu. Ngoài ra việc triển khai đề tài nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp còn góp phần đa dạng hoá về cơ cấu đàn cá trong nuôi thuỷ sản và bổ sung thêm công thức nuôi mà hiện nay trên địa bàn tỉnh đang áp dụng. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện phát triển thủy sản của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mô hình để nông dân các địa phương có điều kiện phát triển nuôi đối tượng này tạo điều kiện cho ngành thuỷ sản của tỉnh phát triển.