Nuôi cá trên ruộng lúa mùa nước nổi thất thu
Mọi năm, thời điểm này, người dân ở những khu vực đất thấp của huyện Phụng Hiệp đã xuống giống dứt điểm vụ cá nuôi trên đất ruộng. Tuy nhiên, hiện toàn huyện chỉ mới xuống giống được hơn 1.000ha, đạt 25% kế hoạch, số còn lại người dân ương cá trong vèo lưới, chưa thả ra đồng ruộng. Nguyên nhân là hiện nay nước trên nội đồng thấp, nhiều khu vực nước chỉ đạt từ 10-20cm, nên không thể thả cá.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện người nuôi cá trên ruộng khá lo lắng, bởi nước lũ không về sẽ không mang được lượng phù sa, rong, tảo từ những nơi khác về đồng ruộng để làm thức ăn cho cá. Thiếu thức ăn nên khả năng cá sẽ chậm lớn, năng suất đạt không cao, dẫn đến thu nhập của bà con sẽ thấp”.
Vài năm trở lại đây, cá nuôi ruộng dần trở thành một vụ mùa sản xuất của người dân Phụng Hiệp khi nước lũ về. Các loại cá người dân thả nuôi phần lớn là cá chép, cá mè, rô phi… Một vụ cá ruộng khoảng 3 tháng cho thu nhập từ 15-20 triệu đồng/ha.
Con tôm chờ… con nước
Sản xuất 2 lúa 1 tôm được xem là mô hình kinh tế thế mạnh tận dụng được mùa lũ ở khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, tuy nhiên năm nay lũ về muộn và thấp hơn cùng kỳ các năm.
Hằng năm, con nước tháng 7 âm lịch đã tràn đồng, nông dân huyện Hồng Ngự đã tất bật chuẩn bị cho những mô hình sinh kế mùa lũ trong đó có mô hình 2 lúa 1 tôm. Tuy nhiên, hiện khu vực này lũ vẫn chưa tràn đồng, nhiều ao ương tôm giống dù đã quá lứa vẫn phải nằm chờ con nước.
Bên cạnh những khu vực thả nuôi chuyên canh, thì những mô hình luân canh lúa tôm ở những địa phương đầu nguồn vẫn đang chờ nước lũ về. Hiện mực nước lũ ở khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp đang ở mức rất thấp. Cụ thể tại trạm Tân Châu chỉ xấp xỉ 1,36m thấp hơn mức trung bình hằng năm là 20 - 30%. Theo đài khí tượng thủy văn khu vực nam bộ, dự báo những ngày tới nước dâng chậm, nông dân nuôi tôm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.