Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, xã triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chép theo hướng an toàn sinh học.
Mô hình được triển khai trên tổng diện tích 3ha mặt nước của 7 hộ gia đình. Giữa tháng 6/2016, các hộ bắt đầu thả cá giống, mật độ 3 con/m2, tỷ lệ nuôi ghép 40% cá chép và 60% rô phi. Cá giống đạt kích cỡ từ 6 - 8cm, trung bình 6 gram/con.
Trong hơn 2 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình đạt 400 gram/con. Ông Nguyễn Văn Cường (thôn Nam Hài) tham gia mô hình cho hay: “Cá nuôi truyền thống với thức ăn là cỏ, bột ngô và cám tăng trưởng chậm, hơn 2 tháng đạt chưa đến 100gram. Tính đến thời điểm này cá trong mô hình tăng trưởng gấp 5 lần so với nuôi truyền thống”.
Ông Cường cho biết thêm, với mô hình nuôi truyền thống phải mất 9 - 10 tháng mới cho được thu hoạch. Với tốc độ cá sinh trưởng trong mô hình như hiện nay, thời gian xuất bán có thể rút ngắn chỉ còn 6 tháng.
Được biết, mỗi ngày ông Cường tiến hành cho cá ăn 2 lần, buổi sáng 6 - 8 giờ, buổi chiều 16 - 18 giờ. Tùy theo trọng lượng của cá để điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp với trọng lượng của cơ thể. Cá nhỏ hơn 100 gram ăn theo tỷ lệ 3 - 5% trọng lượng cơ thể. Khẩu phần ăn điều chỉnh giảm dần khi cá lớn hơn, cá 100 - 300gram cho ăn 2 - 3%, và chỉ còn 1,5% khi cá lớn hơn 300 gram. Việc điều chỉnh lượng thức ăn trong mỗi giai đoạn phát triển của cá hạn chế nguồn dư thừa thải ra môi trường ao nuôi. Khi thời tiết thay đổi, khả năng ăn của cá giảm nên giảm thiểu lượng thức ăn. “Khi cá có hiện tượng nổi đầu thì không cần cho ăn”, ông Cường cho biết.
Để xử lý môi trường ao nuôi, gia đình ông Cường tiến hành xử lý bằng chế phẩm sinh học. Với diện tích ao nuôi rộng 4.300m2, chu kỳ 20 ngày một lần, ông dùng 1,5kg men vi sinh pha loãng 100 lít nước rồi tạt đều mặt ao. “Nguồn nước suối dẫn vào ao rất sạch nên công nghệ xử lý men vi sinh chỉ được thực hiện 20 ngày/lần nhưng nước ao vẫn trong, sạch, màu xanh nõn chuối, cá sinh trưởng tốt”, ông cũng cho biết thêm.
Cá đạt hơn 400 gram sau hơn 2 tháng nuôi
Sử dụng hệ thống quạt khí nhằm tăng cường oxy cho cá phụ thuộc vào thời tiết, khối lượng và mật độ cá trong ao. Với thời tiết thuận lợi, quạt khí chỉ sử dụng 12 tiếng/ngày. Thời tiết lặng trời, nhu cầu oxy của cá cao nên quạt khí được sử dụng 24/24h.
Cũng tham gia mô hình nuôi cá an toàn sinh học, anh Nguyễn Tự Dũng (thôn Núi Bé) chia sẻ, mô hình vẫn còn mới mẻ với các hộ dân nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Trạm Khuyến nông Chương Mỹ nên khi nuôi cũkhông gặp phải khó khăn.
Quy trình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học được thực hiện nghiêm ngặt từ công đoạn tát cạn, vét bùn, phát quang bờ bụi tạo mặt thoáng cho ao, bờ bao chắc chắn, kiểm tra và lấp các chỗ rò rỉ đến khử trùng bằng vôi bột theo liều lượng 7 - 10kg/100m2 diện tích ao nuôi.
Sau 3 ngày khử trùng bằng vôi, tiến hành bón lót bằng cách rải đều khắp ao 20 - 30kg phân chuồng ủ hoai và 50kg lá xanh băm nhỏ rải cho 100m2. Sau đó, lấy nước vào ao từ 0,3 - 0,4m, ngâm 5 - 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh. Đây là giai đoạn quan trọng để tạo màu ao. Ao có màu xanh nõn chuối là đạt chuẩn theo quy định.
Kết thúc quá trình cải tạo, ao nuôi được cấp đủ lượng nước sâu 1,5 - 1,8m, màu xanh nõn chuối, độ trong từ 25 - 30cm, độ pH đạt 7,5 - 8, hàm lượng oxy hòa tan đạt từ 4,5 - 5,5mg/l đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành thả cá giống. Trước khi thả cá giống, bao cá ngâm trong ao từ 10 - 15 phút rồi mở miệng túi ra từ từ để cá không bị sốc trong môi trường nước mới.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ mô hình, ông Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Chương Mỹ cho biết: Qua 3 trận bão vừa qua, địa bàn huyện có lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến 500ha lúa, 80 ha thủy sản.
Tuy nhiên 3ha ao nuôi cá an toàn sinh học không bị thiệt hại. Đó cũng là lợi thế của vùng bán sơn địa với những mô hình nuôi cá đưa về khu đồi thấp, khả năng thoát nước tốt. Hơn nữa, cán bộ khuyến nông cũng vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân tháo bớt nước, phát quang bờ, che chắn ao nuôi để tránh nguy cơ nước tràn cục bộ.