Hải sâm sinh sản và đẻ trứng vào mùa xuân (tháng 3) ở phía nam và mùa hè (tháng 7) ở Nhật Bản, khi nhiệt độ nước đạt 13 - 220C. Ấu trùng phù du ở giai đoạn Auricularia ăn thực vật phù du và phát triển đến 1 mm sau khi nở 8 - 12 ngày. Sau đó chúng co rút cơ thể còn 400 - 500 µm rồi chuyển sang giai đoạn Doliolaria và sẵn sàng bám đáy. Trong điều kiện tự nhiên, tốc độ tăng trưởng của hải sâm thay đổi tùy theo vị trí. Ở đảo Hokkaido, phần phía bắc Nhật Bản, hải sâm phải mất 3,5 - 4,5 năm để đạt trọng lượng 100g và 5 - 6 năm để đạt 200g. Ở Aomori, phía nam Hokkaido, cũng phải mất ít hơn 1 - 2 năm để đạt kích cỡ tương tự.
Hải sâm bố mẹ cho sản xuất giống nhân tạo được thu từ tự nhiên. Nếu cá thể bố mẹ thành thục sinh dục có thể tiến hành sử dụng ngay. Để gây sự thành thục, hải sâm bố mẹ được nuôi vài tháng với thức ăn là bột tảo nâu. Sự thành thục được đánh giá bằng kích thước trứng (đường kính lớn hơn 150 µm) và hình thành tinh trùng trong cơ quan sinh dục. Giao tử thu được bằng cách kích thích nhiệt, trứng được thụ tinh trong vòng 2 giờ. Sau khoảng 18 giờ thì trứng nở, ấu trùng được nuôi với mật độ 1 - 2 ml và cho ăn bằng vi tảo (Chaetoceros gracilis). Con giống đạt kích cỡ 2 - 3 cm được chuyển đến nơi nuôi thương phẩm. Mỗi năm Trung Quốc sản xuất 1 - 2 tỷ con giống và Nhật Bản sản xuất 3 - 6 triệu con. Có thể thu con giống từ tự nhiên bằng cách sử dụng dây treo (túi) có chứa vỏ sò, điệp để bắt giống ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng giống ngoài tự nhiên không ổn định nên con giống nhân tạo vẫn là chủ yếu.
Nuôi trong ao: Ao nuôi được xây dựng gần bờ biển, nhờ sự lên xuống của thủy triều mang thức ăn tự nhiên vào ao nuôi. Khi thủy triều xuống, nước trong ao sâu 0,8 - 1m. Ao nuôi có diện tích 1 - 4 ha có thể là ao cũ, ao đã nuôi tôm trước đó, đáy là cát bùn có thể đặt các khối đá làm nơi trú ẩn. Không bị ô nhiễm, độ mặn 27 - 32‰, nhiệt độ nước 0 - 300C. Mật độ thả nuôi 30 - 100 con/m2, tùy thuộc kích cỡ giống lúc thả. Với con giống cỡ 6 cm (10 g/con), thả giống từ tháng 3 đến tháng 5 thì đến tháng 9,10 có thể đạt cỡ 150 g/con. Lợi nhuận có thể đạt 7.500 - 50.000 USD/ha. Tại Đại Liên (Trung Quốc), năng suất nuôi hải sâm đạt 1,5 - 10 tấn/ha.
Nuôi trong đăng, lồng: Trong hình thức nuôi này, lồng được treo dưới bè gỗ hoặc đặt trực tiếp trên đáy biển, thức ăn sử dụng là rong nâu (Sargassum sp) và một số loài tảo khác.
Nuôi đáy: Những khu vực có đá với thảm thực vật phong phú và đáy là cát bùn sẽ thích hợp để gieo giống.
Hải sâm Nhật Bản cũng bị mắc một số loại bệnh do virus, vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật, giáp xác tấn công… Có thể điều trị bằng một số loại kháng sinh như Penicilin, Streptomicin, Acheomycin, Sulphanilamides. Ngăn chặn giáp xác vào ao nuôi cũng là một cách để ngăn chặn nguy cơ cho hải sâm.
Tại Trung Quốc, nuôi hải sâm trong ao thường đạt cỡ thương phẩm sau 2 năm từ khi xuống giống.
>> Hải sâm Nhật Bản tên khoa học là Stichopus japonicus (Selenka, 1867). Con lớn dài 20 - 30cm, có khoảng 20 xúc tu miệng. Các ống ăn mồi dày đặc thành 3 hàng trên mặt bụng. Các gai cao và nhỏ mọc thành 6 hàng dọc theo lưng và các mặt bên. Chúng có 3 màu, trong đó loại đỏ được cho là di truyền từ loại xanh lá cây và đen.