Mô hình nuôi ếch thương phẩm của gia đình anh Lương Văn Kính được xem là mô hình nổi bật của địa phương trong phát huy hiệu quả kinh tế hộ trên cùng một diện tích. Anh Lương Văn Kính, cho biết: “Năm 2014, tôi đã tận dụng 1.500m2 diện tích ao nuôi cá tra bỏ trống của gia đình để làm vèo nuôi ếch thịt với số lượng ban đầu khoảng 7.000 con”. Sau 2 tháng thả nuôi, gia đình anh Kính đã thu hoạch lứa ếch thịt đầu tiên, đạt sản lượng hơn 550kg và được thương lái đến tận nơi thu mua, với giá 29.000 đồng/kg; sau khi trừ tiền mua con giống, thức ăn,… anh Kính lời khoảng vài triệu đồng. Từ đó, cho thấy mô hình nuôi ếch thịt vừa dễ thực hiện trên một quy mô diện tích, vừa mang lại hiệu quả kinh tế nên anh Kính đã mạnh dạn thuê 1.500m2, nâng quy mô diện tích mặt nước sản xuất lên 3.000m2, đầu tư hơn 100 vèo nuôi (mỗi vèo thả nuôi từ 4.000-6.000 con); ếch con sau 2 tháng thả nuôi sẽ được xuất bán và được thương lái ở TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận tìm mua, với giá từ 28.000-35.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Ước tính, mỗi năm, gia đình anh Kính thu hoạch được 6 đợt ếch thịt, với sản lượng đạt bình quân từ 30-33 tấn/đợt và trừ hết các khoản chi phí sản xuất, gia đình anh Kính sẽ lời hơn 1 tỉ đồng/năm...
Từ những thành công ban đầu, đầu năm 2018, anh Kính đã dùng số vốn tích lũy được để thuê thêm đất, mở rộng thêm 3.000m2 nuôi ếch, đến nay anh có tổng cộng hơn 6.000m2 diện tích mặt nước nuôi ếch trong vèo kết hợp nuôi cá bên dưới. Theo anh Kính, việc nuôi cá trê và cá dồ đém cùng với ếch sẽ giúp hộ nuôi tiết kiệm chi phí khi tận dụng được thức ăn dư thừa hay phân từ ếch, góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Hiện, ngoài nguồn thu nhập chính từ ếch, gia đình anh Kính còn thu lãi từ cá khoảng 80 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi ếch từng kết hợp nuôi cá trên cùng một diện tích đất sản xuất đã từng bước nâng chất lượng cuộc sống cho gia đình anh Lương Văn Kính và nhiều hộ nuôi ếch ở địa phương vươn lên làm giàu, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ trên địa bàn xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh. Tuy mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp nuôi cá của gia đình anh Kính và các hộ chăn nuôi trong vùng đang có nhiều tín hiệu lạc quan, thu hút nhiều nhà nông cùng thực hiện. Nhưng việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo định hướng và kiểm soát tốt về chất lượng từ nguồn giống, nguồn nước đến nguồn thức ăn hay thị trường tiêu thụ đang là rào cản đáng lo ngại cho nhiều nhà nông.
Theo anh Lương Văn Kính, hiện thị trường tiêu thụ ếch thịt của gia đình anh và các hộ nuôi trong ấp chủ yếu là bán lẻ cho thương lái. Ngoài ra, bà con nuôi ếch thịt trong ấp vẫn chưa áp dụng được kỹ thuật sinh sản tại chỗ nên mua ếch giống từ các nơi khác về để nuôi là chính yếu. Chính vì vậy, người nuôi sẽ dần bị lệ thuộc nguồn ếch giống từ bên ngoài và chịu sức ép về giá con giống; tỷ lệ hao hụt con giống là khá lớn, ước tính mỗi vèo nuôi thả với số lượng là 5.000 ếch con, nhưng đến lứa thu hoạch hộ nuôi chỉ thu được từ 2.000-3.000 con ếch thịt. Điều đáng lo ngại hơn, mô hình nuôi ếch thương phẩm của hộ nuôi vẫn chưa định hướng đầu tư theo quy trình sạch nên rất khó thuyết phục được các khách hàng lớn, nhất là các doanh nghiệp hay các siêu thị “bắt tay” hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Đến thăm mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp nuôi cá của anh Lương Văn Kính mới đây, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung đã đánh giá cao giá trị kinh tế của mô hình mang lại, từng bước cải thiện và nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở xã Thạnh Lộc. Song, để mô hình nuôi ếch thương phẩm hay các mô hình chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh và thành phố phát triển theo hướng bền vững, ngành nông nghiệp và các ngành chức năng thành phố cần định hướng, hỗ trợ nhà nông sản xuất theo quy trình kỹ thuật để sản phẩm nông sản làm ra đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng theo nhu cầu thị trường… Song song đó, tăng cường thực hiện liên kết tiêu thụ đầu ra nông sản, góp phần gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nhà nông.