So với nhiều hộ nuôi tôm ở xã Tân Chánh, Cần Đước thì anh Lê Văn Tân bước vào nuôi tôm khá trễ, nhưng anh chịu khó tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm của nhiều hộ nông dân trong khu vực, 4 năm liên tục anh nuôi tôm đều đạt hiệu quả cao.
Với 2.500m2 đất, anh mạnh dạn đào ao nuôi tôm theo hướng công nghiệp, có hệ thống ao lắng để xử lí nước trước khi cấp vào đầm nuôi, sử dụng bạt lót bờ, dàn quạt nước, máy tạo oxy, máy xiphong đáy. Vụ nuôi đầu năm 2018, anh thả nuôi 200.000 con giống, với mật độ dày 170con/m2, sau 70 ngày thu hoạch 3 tấn, với giá bán 126.000 đồng/kg, sau trừ chi phí anh lãi gần 100 triệu đồng. Mỗi năm anh nuôi 2 vụ chính và vụ nghịch mùa, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm của anh Lê Văn Tân cho thấy: Tuy diện tích nhỏ nhưng nếu đầu tư tốt, nhất là nuôi tôm theo hướng công nghiệp sẽ mang lại nguồn lãi rất cao cho người nông dân. Tuy nhiên, việc nuôi tôm theo hướng công nghiệp còn tồn tại nhiều khó khăn như môi trường nuôi bị ô nhiễm, thời tiết diễn biến thất thường, tinh hình dịch bệnh phát sinh ngày càng nhiều…
Hiện nay, nhiều nông dân Cần Đước từng bước ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, để nâng cao năng suất, sản lựơng, đạt hiệu quả cao, cải thiện đời sống gia đình.