Ông Nguyễn Văn (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Nhà tôi có 2 ao nuôi tôm công nghiệp với diện tích trên 6.000m2, những năm đầu, việc nuôi tôm thuận lợi, vụ tôm nào cũng lãi cao, nhiều đại lý kinh doanh thức ăn nuôi tôm ở địa phương sẵn sàng ứng vốn trước để giúp tôi tái đầu tư cho vụ nuôi mới. Thế nhưng gần 2 năm nay, nuôi tôm liên tục thua lỗ, tiền thức ăn, thuốc thú y thủy sản mà tôi nợ đại lý đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Thiếu vốn sản xuất, tôi phải giảm chi phí đầu tư cải tạo ao và nuôi tôm cầm chừng”.
Cũng như ông Văn, ông Lê Hải (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) cũng nhiều lần rơi vào cảnh khốn đốn vì tôm nuôi cứ liên tục thất bát. Ông Hải chia sẻ: “Bây giờ nuôi tôm gặp khó khăn trăm bề. Đó là rủi ro do dịch bệnh, thời tiết, chi phí đầu vào tăng, đầu ra lại thấp… Gần 3 năm nay, tôi nuôi tôm liên tục thua lỗ, tiền nợ thức ăn ngày càng cao, chủ đại lý đòi thì cứ khất lần khất hồi. Năm nay, tôi vay mượn, gom hết vốn liếng chuyển sang nuôi tôm thẻ. Song, sau khi hạch toán chi phí, trả tiền thức ăn, thuốc xử lý ao vuông… thì lãi chẳng được bao nhiêu”.
Vốn đầu tư nuôi tôm ngày càng kiệt quệ, trong khi giá thức ăn tôm, thuốc thú y thủy sản, giá dịch vụ phục vụ nuôi trồng đồng loạt tăng khiến người nuôi tôm chán nản. Cùng với đó, các đại lý bán thức ăn thủy sản không còn mặn mà đầu tư, khiến người nuôi tôm phải thu hẹp diện tích, nhiều hộ phải “treo ao” vì không còn khả năng nuôi tôm.
Nông dân nuôi tôm không thuận lợi cũng gây ra nhiều hệ lụy cho các đại lý bán thức ăn tôm. Ông Chí Linh, chủ đại lý thức ăn tôm Hùng Linh (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư thức ăn thủy sản dựa vào mối quan hệ quen biết chứ không có thế chấp tài sản. Người nuôi có lời thì đại lý cũng có chút lãi. Còn đầu tư cho hộ nuôi tôm cứ liên tục thất bại, số nợ cứ đội cao thì chủ đại lý phải cân nhắc. Vốn bỏ ra nhưng khó thu hồi, doanh thu sụt giảm, buộc chúng tôi phải thu hẹp quy mô kinh doanh. Mấy năm trước, chúng tôi đầu tư thức ăn nuôi tôm cho trên 200 hộ, giờ chỉ còn gần 100 hộ”.
Nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp, là nghề đánh cược với rủi ro cao. Trước những bất lợi cho nghề nuôi tôm như hiện nay, ngoài sự nỗ lực vươn lên của nông dân, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Đó là mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm; hỗ trợ vốn, con giống; kiểm soát giá, chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản... nhằm giúp nông dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định sản xuất.