NUÔI TÔM CÓ CHỨNG NHẬN
Có thể nói, các hộ nuôi tôm quy mô vừa và nhỏ trong nước nói chung và ở Bạc Liêu nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi họ chưa thể tự khẳng định mình trong chuỗi sản xuất do sản lượng nhỏ, manh mún; không thường xuyên cập nhật những tiến bộ kỹ thuật vào công tác quản lý dịch bệnh, bình ổn môi trường, dẫn đến tôm nuôi thường phát sinh dịch bệnh. Đồng thời khó tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế; việc kết nối đầu vào và đầu ra chưa thật sự hiệu quả… Những khó khăn này đòi hỏi các hộ nuôi có quy mô nhỏ cần liên kết thành các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), cũng như củng cố các THT, HTX đang hoạt động. Đây là một nhu cầu cấp bách nhằm giúp ngành tôm Bạc Liêu phát triển.
Gần 3 năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu tôm nuôi, giúp các THT, HTX tăng cường chất lượng con tôm sản xuất ra thông qua áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, BAP, SEASAIP… Đặc biệt, từ sau khi thực hiện việc nuôi tôm có chứng nhận, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ sử dụng thuốc kháng sinh, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tổ chức thu mua… nên nhiều doanh nghiệp đã loại hẳn nạn bơm chích tạp chất. Điều này đang được các nhà nhập khẩu tôm nước ngoài đánh giá cao.
Ông Emmanuel Anton, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững, cho rằng: “Hiện nay, nhờ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tôm sạch mà công ty đã dần xâm nhập vào các thị trường nhập khẩu tôm khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU… Từ đó mở ra một hướng đi mới cho ngành tôm Việt Nam cũng như người nuôi tôm ở Bạc Liêu”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số HTX nuôi tôm sạch và mở hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đơn cử như HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 (huyện Hòa Bình); HTX Đồng Tiến (xã Định Thành, huyện Đông Hải)… Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản 30/4 thì HTX liên kết với các doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra và thực hiện rất hiệu quả. Thành viên HTX còn được mua con giống với giá rẻ hơn 15 đồng/con, thức ăn rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg và thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học… đều giảm 20 - 25%. Tôm nuôi của HTX được mua với giá tương đương hoặc cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với bên ngoài.
XÂY DỰNG CHUỖI LIÊN KẾT
Theo Sở NN&PTNT, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản là tổ chức lại các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là đối với vùng nuôi tôm nước lợ. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đầu tư vùng nuôi tôm trọng điểm, hợp tác sản xuất theo hình thức tổ, nhóm.
Sau gần 3 năm thực hiện liên kết về chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, toàn tỉnh đã có hơn 1.400ha được bao tiêu đầu ra và liên kết đầu vào với các doanh nghiệp. Về đầu vào, các doanh nghiệp cung ứng vật tư như thức ăn, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học, giống, bạt lót. Mô hình liên kết đầu vào giúp bà con sử dụng vật tư với giá thấp hơn so với mua ở các đại lý bên ngoài, chất lượng tốt hơn, góp phần nâng cao lợi nhuận.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp yêu cầu người nuôi tôm phải áp dụng các quy chuẩn nuôi tôm sạch, đảm bảo chất lượng theo chuẩn ASC, VietGAP. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Các HTX nuôi tôm đạt tiêu chuẩn sạch, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả đã trở thành những điểm sáng. Lợi nhuận các hộ thành viên tăng cao hơn, đồng thời nâng cao nhận thức về thực hành nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn”.
Đây là bước đi đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thương hiệu tôm Bạc Liêu vững mạnh, đặc biệt là con tôm sạch, nguồn gốc rõ ràng do hộ nuôi quy mô nhỏ sản xuất thông qua HTX. Qua đó từng bước đưa người sản xuất quy mô nhỏ nâng cao năng lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế.