Sau vài năm thí điểm và phát triển, đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau đạt hơn 1.800 ha. Tỷ lệ thực hiện mô hình thành công khoảng 85%, đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi của toàn tỉnh.
Theo kế hoạch phát triển, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau có thể đạt 5.000 ha vào năm 2020, 10.000 ha vào năm 2030.
Tuy nhiên, hiện nay, 50% diện tích nuôi tôm siêu thâm của Cà Mau chưa đáp ứng được các điều kiện nuôi theo quy định. Đặc biệt, giá cả đầu vào cao, trong khi đầu ra thấp đang là thách thức với người nuôi tôm nói chung và nuôi siêu thâm canh nơi đây. Bên cạnh đó, ý thức người dân trong vấn đề xả thải ra môi trường hay hạ tầng phục vụ nuôi tôm cũng đang là trăn trở trong phát triển mô hình này.
Ông Phạm Văn Den, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Tân khuyến cáo người dân chỉ nên nuôi tôm siêu thâm canh trong vùng đã được quy hoạch: “Xu hướng là gom lại nuôi tập trung, quy hoạch vùng, vùng nào cho nuôi tôm siêu thâm canh mới được nuôi. Nơi đó phải đảm bảo về điện, những nơi không quy hoạch, bà con không nên nuôi vì các điều kiện phục vụ nuôi tôm không đảm bảo. Việc xả thải, ý thức người dân còn kém, ảnh hưởng đến môi trường khu vực”.