Người nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc hơn nửa tháng qua như ngồi trên lửa, bởi các loại cá vẩu, bớp nuôi trong lồng đột nhiên mắc bệnh, rồi chết.
Thấy cá có triệu chứng lạ, một số hộ trong vùng nuôi đã gọi thương lái đến bán đổ số cá chưa mắc bệnh vào Đà Nẵng để vớt lỗ. Trong khi đó một số khác cố giữ lại nhưng vẫn không chữa được bệnh cho cá. Anh C. một hộ nuôi trên đầm Lập An cho biết, cá chết theo đợt. Đợt đầu tháng chết rải rác. Khoảng ngày 10 vừa rồi chết thêm một đợt, vẫn chủ yếu là cá bớp. Cao điểm là vào hai ngày 14, 15, cá chết nhiều hơn. Cá nhà anh C. nuôi đợt này cũng chết hơn một tấn.
Là hộ nuôi cá có thâm niên và số lượng nhiều nhất ở Lăng Cô, anh T. cho biết, đa số cá bị chết có chung triệu chứng là “bỏ ăn, bị tấy đỏ vùng bụng rồi nổ mắt, chết”. Anh này cũng cho biết, cá chết ở thời điểm này không phải là lạ, bởi đây là lúc giao mùa. Nhưng so với những năm trước thì năm nay cá chết nhiều hơn, người dân thiệt hại lớn hơn.
Thống kê ban đầu của UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, trong vùng có khoảng 50 hộ nuôi, mỗi hộ chết từ 20- 50% số các nuôi trong lồng. Thị trấn đã có báo cáo gửi UBND huyện Phú Lộc và các cơ quan quản lý về nuôi trồng thủy sản, môi trường xuống thị trấn để tìm hiểu nguyên nhân.
Cán bộ chi cục thủy sản Thừa Thiên- Huế lấy mẫu nước tìm hiểu nguyên nhân.
Đại diện chi cục thủy sản Thừa Thiên - Huế bước đầu đã lấy mẫu nước tại khu vực hồ nuôi để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, theo cơ quan này thì đây là thời điểm giao mùa, rất hợp cho một số loài vi khuẩn gây bệnh cho cá phát triển. Trong lịch thời vụ, ngành thủy sản cũng đã ra khuyến cáo bà con kết thúc vụ nuôi trước tháng 9 vừa để tránh vi khuẩn gây hại, vừa tránh thiệt hại trong mùa mưa bão.
Theo đại diện các hộ nuôi thì, dù biết lịch thời vụ nhưng người dân vẫn cố giữ lại cá để nuôi phục vụ tết nguyên đán. Bởi thông thường giá bán vào thời điểm đó tăng gần gấp đôi giá hiện tại.
Về nguyên nhân gây chết cá, bà con cho rằng, ngoài vi khuẩn gây bệnh như ngành thủy sản cảnh báo thì có thể có nguyên nhân từ các công trình xây dựng ở đầu nguồn nước, cụ thể là công trình thi công đường dẫn vào hầm Hải Vân.
Trước lo lắng của người dân, đơn vị thi công công trình này cho biết sẽ mời Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế xuống lấy mẫu nước theo yêu cầu của người dân để phân tích. Sau khi có kết quả, đơn vị sẽ có hướng xử lý tiếp theo.