Mô hình tôm lúa.
Bằng sự đóng góp chủ yếu của các sản phẩm từ nuôi trồng, giá trị xuất khẩu thủy sản ở nước ta năm 2011 đạt mức ấn tượng với 6,11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong mười quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù nuôi trồng thủy sản liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, rủi ro và thiếu bền vững. Công tác quy hoạch không theo kịp tốc độ phát triển. Sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch và chưa đồng bộ. Thậm chí gần đây ở một số nơi, môi trường có dấu hiệu suy thoái, dẫn đến tình trạng dịch bệnh và sự mất cân bằng giữa cung - cầu... Hơn thế, diện tích mặt nước ngọt, nước lợ đưa vào nuôi trồng thủy sản đã tăng đến ngưỡng giới hạn cho phép, trong khi đó chất lượng môi trường có xu hướng ngày càng giảm tác động xấu môi trường thủy sản.
Cũng theo số liệu thống kê, hiện nuôi trồng thủy sản chiếm tới 60% sản lượng của cả nước, đóng một vai trò quan trọng trong xuất khẩu và tiêu dùng thực phẩm trong nước. Vì vậy, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển thủy sản tới năm 2020, nuôi trồng thủy sản cần được chú trọng, phát triển tương xứng tiềm năng của nó. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trên cơ sở đó làm căn cứ cho các địa phương xây dựng quy hoạch từng địa bàn, chú trọng các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phát triển theo hướng thâm canh; khuyến khích đa dạng đối tượng và hình thức nuôi phù hợp theo từng khu vực, thời vụ trên từng vùng. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Ðẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, mối liên kết trong nuôi trồng thủy sản...
Ngành cần có các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư cho nuôi trồng thủy sản; bao gồm chính sách sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng, thuế, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, v.v. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn cho bà con nông dân kỹ thuật nuôi, chăm sóc, thu hoạch và thường xuyên theo dõi diễn biến của chất lượng môi trường nước ao, nguồn nước cấp, mầm bệnh để có những biện pháp xử lý thích hợp, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Ðồng thời tổ chức các hộ nuôi nhỏ, lẻ thành các tổ, đội sản xuất, tạo mối liên kết giữa người sản xuất, nhà chế biến và tiêu thụ, thực hiện nhà chế biến có vùng nguyên liệu, người nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuân thủ các quy định điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, mới khai thác được tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển nuôi trồng thủy sản, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực sản xuất chính cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản và tiêu dùng trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.