Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Anh, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), cho biết: ĐBSCL hiện có 155 HTX thủy sản, chiếm hơn 1/3 số HTX nghề cá của cả nước. Việc phát triển HTX thủy sản ở ĐBSCL đạt những kết quả ban đầu rất khả quan nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Hầu hết quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có tổ chức tín dụng cho nông dân, ngư dân vay vốn hỗ trợ sản xuất, khả năng bao tiêu sản phẩm hạn chế. Hoạt động tiên thụ sản phẩm chủ yếu bán cho đầu nậu nên thường bị ép giá. Phần đông HTX gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn; không có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng như cơ sở chế biến, kho lạnh, chợ cá… để làm dịch vụ. Từ đó vai trò HTX còn mờ nhạt.
Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, giúp các HTX thủy sản trong vùng phát triển bền vững, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: vai trò của các HTX thủy sản đối với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới; lựa chọn mô hình cung ứng vật tư, kỹ thuật để nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản phù hợp với HTX ở ĐBSCL; những khó khăn, đề xuất kiến nghị với Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp để củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới… Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 22-5.