Cụ thể, đến năm 2020 diện tích nuôi cá rô phi tại các vùng trên cả nước đạt 33.000 ha và 1,5 triệu m3 lồng nuôi trên sông và hồ chứa lớn; trong đó 25% diện tích nuôi theo hướng thâm canh và 15% diện tích nuôi trong ao đầm nước lợ theo hình thức chuyên canh hoặc kết hợp với các đối tượng khác.
Sản lượng đạt 300.000 tấn, trong đó 50 - 60% đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu. Sản xuất được 100% nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Kiểm soát, giám sát hiệu quả môi trường, dịch bệnh, vật tư đầu vào trong nuôi cá rô phi dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản pháp luật. Tạo việc làm cho 54.350 lao động trực tiếp và 5.000 lao động gián tiếp.
Đến năm 2030, diện tích nuôi cá rô phi đạt 40.000 ha và 1,8 triệu m3 lồng nuôi trên hệ thống sông và hồ chứa lớn, trong đó 40 - 45% diện tích nuôi theo hướng thâm canh và 20 - 25% diện tích nuôi trong ao đầm nước lợ theo hình thức nuôi đơn hoặc kết hợp với các đối tượng khác.
Phấn đấu 100% diện tích vùng nuôi cá rô phi tập trung được áp dụng VietGAP hoặc các tiêu chuẩn khác của các nước nhập khẩu. Sản lượng đạt 400.000 tấn, trong đó 45 - 50% phục vụ xuất khẩu. Sản xuất đáp ứng 100% nhu cầu về số lượng và chất lượng con giống sạch bệnh phục vụ nuôi thương phẩm. Tạo việc làm cho 67.500 lao động trực tiếp và 8.000 lao động gián tiếp.
Có 3 loài được chọn làm đối tượng nuôi chủ yếu gồm: Cá rô phi vằn, cá rô phi lai khác loài giữa rô phi vằn và rô phi xanh và cá rô phi đỏ. Áp dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, sản lượng, giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học.
Đối với cá rô phi trong ao, tăng năng suất và sản lượng bằng cách chuyển dần từ hình thức nuôi ghép cá rô phi với cá truyền thống ở tỷ lệ thấp sang nuôi chuyên canh cá rô phi hoặc tăng tỷ lệ nuôi cá rô phi với mật độ phù hợp. Áp dụng các quy trình công nghệ ít thay nước, sử dụng vi sinh vật có lợi để xử lý chất thải cải tạo môi trường, xử lý chất thải rắn hiệu quả trong và sau mỗi vụ nuôi.
Đối với nuôi cá rô phi trong lồng bè, áp dụng mô hình nuôi cá rô phi mật độ cao trong lồng bè nhỏ phù hợp với điều kiện từng vùng. Kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào và con giống nhằm giảm giá thành.
Tiến hành sản xuất cá rô phi giống đơn tính toàn đực bằng kỹ thuật phù hợp để đảm bảo số lượng và chất lượng con giống cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Ưu tiên sản xuất giống theo công nghệ mới, không sử dụng hoóc môn nhằm bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.
Ưu tiên nhập nội các dòng cá rô phi chất lượng cao, kết hợp giữa di truyền số lượng và di truyền phân tử để phát triển nhanh giống cá rô phi chất lượng cao phù hợp với điều kiện nuôi của Việt Nam, tiến tới chủ động hoàn toàn nguồn giống cá rô phi chất lượng cao trong nước. Trong đó nghiên cứu tập trung vào nâng cao các tính trạng quan trọng như: Sinh sản nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt trong môi trường nước ngọt và nước lợ, nâng cao tỷ lệ fillet.
Cá rô phi được tập trung phát triển theo 7 vùng sinh thái gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ.
Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm, sẽ phát triển hệ thống cơ sở chế biến cá rô phi gắn với vùng sản xuất cá rô phi trọng điểm phục vụ xuất khẩu.
Đối với thị trường nội địa, chủ yếu cung cấp sản phẩm dưới dạng tươi sống và nguyên con tươi, bảo quản lạnh. Đối với thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, châu Phi, Trung Đông và một số thị trường tiềm năng khác, tập trung phân khúc sản phẩm có giá bán cao, ưu tiên sản phẩm phi lê đông lạnh, sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng nguyên liệu cá rô phi được nuôi trong khu vực nước lợ hoặc nước ngọt chất lượng tốt để nâng cao giá bán và sức cạnh tranh.