Thực trạng các vùng nuôi
Theo quy hoạch nuôi thủy sản nước lợ, mặn trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 3 vùng nuôi thủy sản lồng bè tập trung. Trong đó, hai vùng nuôi ở TX Sông Cầu gồm vịnh Xuân Đài khoảng 747ha, đầm Cù Mông khoảng 253ha và vùng nuôi lồng bè ở huyện Tuy An khoảng 650ha. Thời gian qua, những vùng nuôi này không tuân thủ theo quy hoạch của tỉnh, diện tích và số lồng nuôi thực tế vượt gấp 2-3 lần. Đối với vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè tại Vũng Rô (huyện Đông Hòa), tỉnh chỉ cho phép tạm thời sử dụng 100ha mặt nước để sắp xếp lại theo phương quy hoạch tạm thời được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa xong; số lồng bè nuôi thủy sản và bè dịch vụ tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Tình hình nuôi thủy sản bằng lồng bè tại Phú Yên trong những năm gần đây phát triển rất phức tạp, môi trường nhiều vùng nuôi biến động theo chiều hướng xấu, dịch bệnh trên thủy sản nuôi bùng phát ở nhiều địa phương, nhất là TX Sông Cầu. Hiện nay, hầu hết vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè chưa được quy hoạch chi tiết, công tác quản lý vùng nuôi còn yếu kém, việc xả thải không đúng quy định đã gây ô nhiễm môi trường, diễn biến dịch bệnh trên thủy sản nuôi rất phức tạp. Hoạt động quan trắc môi trường và giám sát cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản nuôi được triển khai thường xuyên nhưng đa số người nuôi không thực hiện các khuyến nghị của cơ quan chuyên môn. Công tác quản lý con giống, thức ăn, thuốc thúy… cũng còn những bất cập; ý thức chấp hành pháp luật về nuôi trồng thủy sản của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và người nuôi quá kém.
Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, tại vùng nuôi vịnh Xuân Đài, sau vụ tôm hùm, cá nuôi bị chết hàng loạt hồi tháng 5-6/2017, đến nay người nuôi đã kéo lồng bè và phân bổ hầu khắp mặt vịnh, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Trước đây, thị xã đã thành lập 177 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản, nhưng đa số các tổ hoạt động không hiệu quả, vì các thành viên tham gia tổ này không có quyền lợi gì nên chưa làm hết trách nhiệm. UBND TX Sông Cầu đang kiện toàn các tổ quản lý cộng đồng này, trong đó địa phương cũng đề xuất phải có kinh phí hoạt động và có bồi dưỡng cho các thành viên tham gia. Vấn đề TX Sông Cầu đang quan tâm nhất hiện nay đối với vùng nuôi thuộc vịnh Xuân Đài (là di tích thắng cảnh quốc gia) thuộc thẩm quyền quản lý ở Trung ương thì địa phương có thể quy hoạch nuôi thủy sản và cho thuê mặt nước được không. Để giảm số lượng nuôi hàng năm, địa phương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan quản lý kỹ nguồn con giống nhập từ nước ngoài về và nguồn giống trôi nổi trên thị trường.
Còn ông Lê Tấn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho hay: Hiện có 93 hộ với 3.065 ô lồng của 102 bè nuôi thủy sản sau năm 2005 chưa di dời ra khỏi khu vực Vũng Rô. Các hộ này cố ý né tránh khi có lực lượng chức năng kiểm tra nên công tác xử lý vi phạm và hoàn tất hồ sơ để cưỡng chế gặp nhiều khó khăn. Nếu địa phương tổ chức cưỡng chế bằng hình thức kéo lồng bè vi phạm ra khỏi Vũng Rô thì chi phí quá lớn, khoảng 50 triệu đồng/bè. Ngoài ra, mỗi bè nuôi tôm, cá có giá trị bình quân khoảng 3 tỉ đồng, nếu chúng ta bảo quản, chăm sóc, trông giữ những bè bị cưỡng chế không tốt (chưa có người đến nhận), gây thiệt hại thì không có tiền để bồi thường… Huyện Đông Hòa kiến nghị tỉnh và các sở, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể giúp địa phương trong việc xử lý số lồng bè nuôi thủy sản vi phạm nói trên.
UBND huyện Đông Hòa triển khai kiểm đếm số lượng lồng bè và vận động người nuôi tôm hùm ở Vũng Rô kéo bè đến nơi quy hoạch tạm thời - Ảnh: ANH NGỌC
Thực hiện giải pháp tạm thời
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, mới đây Sở NN-PTNT đã đề xuất một số giải pháp trong quản lý nuôi thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trước mắt là phải sắp xếp, giao, cho thuê mặt nước vùng nuôi lồng bè tại các đầm, vịnh. Những vùng đã quy hoạch chi tiết, UBND cấp huyện triển khai mốc giới ngoài thực địa và giao, cho thuê mặt nước cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Còn vùng chưa quy hoạch chi tiết, UBND cấp huyện cũng triển khai mốc giới phân vùng, phân khu nuôi ngoài thực địa theo quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh phê duyệt, sau đó giao, cho thuê mặt nước nuôi thủy sản cho các tổ chức, cá nhân. Hạn mức diện tích mặt nước được giao để nuôi thủy sản bằng lồng bè cho mỗi trường hợp không quá 1ha, đối tượng được giao là người địa phương mà nguồn sinh sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi thủy sản. Về lâu dài, các vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh phải được quy hoạch chi tiết…
Ông Lê Tấn Thảo cho biết: UBND tỉnh cho phép tạm thời sử dụng 100ha mặt nước từ bãi Bàng đến bãi Nhãn thuộc vịnh Vũng Rô để sắp xếp lại lồng bè ở khu vực này theo phương án quy hoạch tạm thời. Theo đó có 140 hộ với 3.382 ô lồng của 146 bè đã nuôi thủy sản từ năm 2005 trở về trước sẽ được sắp xếp vào vùng nuôi tạm thời 100ha này. Ngày 24/4/2017, địa phương đã tổ chức bốc thăm vị trí vùng nuôi nhưng chỉ có 126 hộ tham gia. Trong số này có 104 hộ đã nhận vị trí mặt nước theo quy hoạch phân lô và đến nay chỉ có 35 hộ đã di dời lồng bè vào vùng quy hoạch tạm thời.
Còn theo ông Nguyễn Tri Phương, theo quy hoạch tổng thể, vịnh Xuân Đài có 747ha mặt nước nuôi thủy sản lồng bè thuộc các xã, phường Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành và Xuân Đài. Sở NN-PTNT đề xuất phương án sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản tại phường Xuân Yên với diện tích 124ha, bố trí thành 8 tiểu khu. Theo UBND TX Sông Cầu, phường Xuân Yên có 534 hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè, nhưng trên thực tế chỉ khoảng 315 hộ là người địa phương sẽ được sắp xếp, còn lại số lồng bè của 219 hộ ở ngoài địa phương thì buộc phải di dời. Định mức giao diện tích mặt nước cho mỗi hộ khoảng 0,39ha, trung bình mỗi hộ được phép thả nuôi khoảng 20 lồng. Trước khi sắp xếp lại lồng bè, UBND phường Xuân Yên cần rà soát, lập danh sách các hộ có đủ điều kiện như phương và xác nhận vào đơn xin giao mặt nước của hộ dân để UBND TX Sông Cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cần sớm triển khai quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản gắn với phát triển rừng ngập mặn; khẩn trương sắp xếp lại lồng bè nuôi thủy sản tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh như phương án Sở NN-PTNT đã đưa ra. Đồng thời tìm giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế và xử lý các nguồn thải thải ra môi trường vùng nuôi, triển khai thu phí môi trường tại các vùng nuôi. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT xây dựng mô hình thí điểm quan trắc, cảnh báo môi trường tự động vùng nuôi, nếu có hiệu quả thì nhân rộng ra toàn tỉnh; sớm tham mưu UBND tỉnh thành lập đơn vị chuyên trách quản lý lồng, bè nuôi trồng thủy sản…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế