Ngư dân trên tàu BĐ 94439TS chụp ảnh lưu niệm với phóng viên Đức Tuyên (hàng ngồi bìa phải) - Ảnh: TẤN VŨ
Trước khi được bước xuống tàu để cùng thuyền trưởng Nguyễn Minh Vương và 18 anh em thuyền viên khác lênh đênh trên biển, chúng tôi vẫn còn phập phồng chưa biết sẽ ra biển bằng cách nào. Đức Tuyên từ TP.HCM bay ra, Tấn Vũ từ Đà Nẵng đi xe lửa vào. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cố gắng tìm kiếm một thuyền trưởng chấp nhận cho phóng viên theo tàu để thực hiện loạt bài “Ra khơi cùng ngư dân”.
Lên tàu: chuyện không đơn giản!
Nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ, chúng tôi mới có số điện thoại và liên lạc được với thuyền trưởng của tàu BĐ 94439TS Nguyễn Minh Vương. Đây là một trong những tàu đánh bắt xa bờ hiện đại của miền Trung với máy tàu lên đến 900cv - mã lực. Thuyền trưởng Vương nói sẵn lòng giúp đỡ, nhưng không biết nhà báo có chịu đựng nổi sóng gió cho chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài cả tháng hay không. “Đã từng có một nhà báo lên tàu tui xin theo ra ngư trường Trường Sa để viết bài, nhưng mới đi khỏi bờ được vài hải lý đã phải xin quay vào bởi không trụ được vì say sóng. Khi tàu đã rời cảng chúng tôi không muốn quay vào bởi nó thể hiện sự trục trặc, không hên, nhưng không thể không về vì tính mạng của nhà báo lúc đó là quan trọng hơn. Chuyến quay vào bờ ấy cũng tốn của anh em biết bao phí tổn” - thuyền trưởng Vương cảnh báo qua điện thoại.
Tình hình có vẻ căng. Chúng tôi tổ chức một buổi gặp gỡ và... nâng ly để thể hiện sức khỏe trước mặt thuyền trưởng Vương cùng sáu anh em thuyền viên khác. Cuối cùng, dường như đã đủ để hiểu ít nhiều về nhau, thuyền trưởng Vương tuyên bố: “Hai anh khỏe, có thể đi biển được”. Lại cũng mới chỉ là có thể! Quyết nói cứng, chúng tôi đành dấn thêm một bước hứa liều: “Nếu phải quay về, chúng tôi xin đền phí tổn cho chuyến đi và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước mọi tình huống bất trắc xảy ra...”.
Sau một đêm suy nghĩ, thuyền trưởng Vương điện thoại: “Các anh sắp xếp đồ, 9g sáng lên tàu chuẩn bị mở biển”. Đến lúc được đặt chân lên tàu, tàu rẽ sóng rời cảng Ba Ngòi, TP Cam Ranh thẳng tiến ra biển Trường Sa, chúng tôi mới thật sự cảm nhận rõ tấm lòng hào sảng cùng sự lo xa của người thuyền trưởng. Để giữ gìn sức khỏe cho nhà báo tác nghiệp, thuyền trưởng Vương sắp xếp cho chúng tôi hai chiếc giường trên cabin, trong cùng buồng lái của anh. Căn phòng trên cao này thông thoáng để phóng viên có tầm nhìn thuận lợi cho tác nghiệp. Tỉ mẩn như một người phụ nữ lo cho gia đình, người thân, chỉ vào góc phòng thuyền trưởng Vương liệt kê: “Tôi sai anh em đi mua cho các anh hai cái mền và gối, nước yến, tăng lực, nước suối mỗi thứ hai thùng, ba thùng mì gói, hai thùng cháo ăn liền, dầu gội, bột giặt... cùng hai cái bô bằng nhựa. Phòng khi say sóng không ăn nổi cơm, không đi lại được trên tàu như anh em thuyền viên, anh em cứ tự nhiên dùng, các thuyền viên mỗi người đều có chế độ riêng rồi”. Chúng tôi chỉ còn biết nhìn nhau xúc động, nghèn nghẹn nơi cổ.
Tấm lòng ngư dân
Với chuyến đi này, đây là lần đầu tiên chúng tôi bước lên tàu của ngư dân để cùng sống gần một tháng trên vùng biển Trường Sa máu thịt của Tổ quốc. Tàu của thuyền trưởng Vương dài 26m, ngang 7m, cao 5,5m, đạt tải trọng 260 tấn với công suất máy 900cv. Thế nhưng, trước biển bao la con tàu nhỏ nhoi như một chiếc vỏ trấu trên sông. Và ngay khi tàu vừa ra khỏi cửa biển, một trong hai chúng tôi đã phải nằm bẹp giường vì say sóng.
Khi nhìn vào các đồ vật mà thuyền trưởng Vương đã sắm cho, chúng tôi không khỏi buồn cười khi thấy hai cái bô nhựa dành cho trẻ em và thầm nghĩ: “Phải ngồi bô à”. Thế nhưng ngay sau đó mới thấy sự hữu dụng của cái bô. Sóng quật nhồi lên rồi ngụp xuống, không thể ngóc đầu lên được chứ đừng nói là đi lại. Một trong hai chúng tôi đã phải dùng bô để ói, rồi dùng bô để bám vào thành giường mà ngồi, quỳ để tiểu tiện. Mỗi lúc như thế, vừa căng mắt tập trung lái tàu, lâu lâu thuyền trưởng Vương lại ngoái đầu hỏi chúng tôi: “Anh có chịu được không, có “đi” được không?”.
Khi đã quen biển quen sóng, những cơn say sau ba ngày dần cho người nhừ tử rồi cũng qua. Thế nhưng biển luôn chứa trong mình những nỗi bất trắc khó lường. Sang ngày thứ năm, biển bất thần nổi dông gió, động cấp 6, giật cấp 7. Cái máy Icom trước mặt thuyền trưởng Nguyễn Minh Vương rung lên liên tục với tin từ Đài Thông tin duyên hải Nha Trang thông báo cơn bão số 5 (Kai-Tak) đang đổ vào biển Đông. Trong dông tố mưa rơi tối mặt, sóng nhấc bổng con tàu lên rồi lại dìm xuống, tránh những đợt nước biển bắn tung tóe vào cabin, thuyền trưởng Vương vẫn vững tay lái, lách mũi con tàu cưỡi lên từng đợt sóng trắng xóa lớp lớp đổ về. Chúng tôi giờ đây mới cảm nhận được đầy đủ sự hung hãn của biển trước bao nỗi cực nhọc của ngư dân.
Nhìn hai chúng tôi tả tơi, thuyền trưởng Vương cười: “Được đấy, dù bầm dập nhưng chịu được qua cơn bão là giỏi”. Khi trời biển đã tương đối lặng gió, thuyền trưởng Vương giao lại việc lái tàu cho thuyền viên Nguyễn Văn Hải. Tôi thấy anh lui cui đi tìm một đoạn ống nhựa, một vỏ chai nước khoáng đã uống hết rồi cắt, buộc. Vỏ chai nhựa như cái phễu được gắn chặt vào ống nhựa rồi buộc vào thành tàu, đầu ống nhựa kia thòng xuống biển. Lý giải cho sáng kiến của mình, thuyền trưởng Vương bảo rằng đây là “cái toalét” của hai anh nhà báo dùng khi gặp sóng to, say, không ra ngoài kia được. “Cứ lật ngang, gác lên ấy là tiểu”. Chúng tôi cười mà hai mắt cay xè!
Thế rồi chúng tôi cũng quen dần với những con sóng biển. Chính tấm lòng thuyền trưởng và anh em thuyền viên đã giúp chúng tôi vượt qua sóng gió. Làm sao có thể nằm bẹp được khi nhìn anh em vừa lăn xả mưu sinh trên đầu sóng ngọn gió lại vừa hết lòng quan tâm đến mình. Với tấm lòng đó, người cầm bút đã nghe mực chảy từ trái tim mình để có được những bài báo từ khơi xa gửi đến bạn đọc. Hôm qua đứng trên sân khấu nhận giải thưởng báo chí TP.HCM cho tác phẩm Ra khơi cùng ngư dân, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động nhớ những anh em mình đang lênh đênh ngoài xa khơi kia. Nhớ lời thuyền trưởng Vương trong lần chia tay ấy: “Tôi nghĩ có như thế mọi người mới hiểu nỗi niềm của ngư dân chúng tôi. Và tôi nghĩ giúp các anh đi biển, viết bài về biển đảo cũng chính là giúp ngư dân, đất nước mình thôi!“.