Khó khăn công tác quản lý
Thời gian gần đây một số vùng nuôi ở TX Sông Cầu đã quá tải, nhất là khu vực phường Xuân Yên và xã Xuân Phương. Ông Nguyễn Thành An, người nuôi tôm hùm ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, cho biết: Trước đây, khu vực thôn Phú Mỹ phát triển nghề nuôi tôm hùm rất mạnh, nhiều người nuôi có lãi cao. 3 năm trở lại đây có nhiều người ở ngoài địa phương kéo lồng, bè đến khu vực thôn Phú Mỹ để nuôi tôm hùm.
Riêng năm 2017, tại khu vực này có khoảng 350 hộ nuôi với khoảng 1.500-1.600 lồng, khiến cho vùng nuôi này quá tải. Hậu quả là môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm nặng, tôm nuôi thường chết hàng loạt, đặc biệt là đợt giữa tháng 5 đến đầu tháng 6/2017.
Ông Nguyễn Minh Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), cho biết: Đơn vị chưa hề thực hiện việc kiểm dịch tôm hùm giống, do tôm giống được khai thác trong tự nhiên và ngư dân không khai báo và cũng không đăng ký kiểm dịch. Đối với các lô hàng tôm hùm giống có nguồn gốc từ nước ngoài đã được Cục Thú y kiểm dịch nhưng đa số chưa qua nuôi cách ly như theo quy định.
Còn bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) thì cho rằng, do chưa thực hiện kiểm dịch đối với tôm hùm giống khai thác trong tự nhiên nên công tác quản lý dịch bệnh gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cho người nuôi. Mặt khác, tôm hùm giống nhân tạo chưa sản xuất được nên còn phụ thuộc vào tự nhiên, giá cả và không chủ động được lịch thời vụ thả nuôi…
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho hay: Hiện địa phương có khoảng 2.140 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 16.000 lồng tôm hùm thương phẩm và khoảng 5.000 lồng ương tôm hùm giống.
Các vùng nuôi trọng điểm đã được quy hoạch tổng thể, tuy nhiên việc quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủysản hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi diễn biến khá phức tạp, nên người nuôi đã di chuyển đến các khu vực chưa được quy hoạch. Hầu hết các hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã chỉ mới quan tâm đến việc đầu tư nuôi tôm mà chưa thật sự chú trọng đến bảo vệ môi trường. Vịnh Xuân Đài đã được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia nên vùng nuôi tôm hùm ở đây chưa có quy hoạch chi tiết mà chỉ quy hoạch tạm thời dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
TX Sông Cầu đã thành lập hơn 100 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản nhưng đa số hoạt động không hiệu quả. Mặt khác, do ý thức người dân còn kém nên công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương có nuôi tôm hùm với các đơn vị, cơ quan chuyên môn chưa thật sự đồng bộ và quyết liệt nên công tác sắp xếp, bố trí lồng, bè nuôi tôm hùm chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Giải pháp để nuôi tôm hùm bền vững
Theo UBND TX Sông Cầu, để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, địa phương sẽ lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi mặt nước biển trên địa bàn. Đối với khu vực vịnh Xuân Đài, địa phương kiến nghị cần quy hoạch khu vực nuôi tôm hùm nhằm sắp xếp lại các lồng, bè tôm cho phù hợp và ổn định lâu dài.
Địa phương tiếp tục vận động người dân đưa lồng bè nuôi tôm hùm nằm ngoài quy hoạch tập trung vào vùng nuôi theo phương án phân vùng đã được duyệt; đồng thời củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản để quản lý chặt chẽ vùng nuôi, trong đó tập trung vào việc sắp xếp lồng bè, quản lý mật độ phù hợp hơn và bảo vệ môi trường.
Ông Lương Công Tuấn cho biết thêm: Hiện nay, nguồn thức ăn chủ yếu của tôm hùm là thức ăn tươi sống. Và hàng ngày có hàng chục tấn thức ăn tươi được đưa xuống mỗi vùng nuôi nên khả năng gây ra ô nhiễm môi trường là rất cao. Địa phương kiến nghị tỉnh kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực để nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm và nghiên cứu để đưa con tôm hùm ra vùng biển bãi ngang để nuôi sẽ giảm bớt được mật độ thả nuôi tại các đầm, vịnh như hiện nay.
UBND TX Sông Cầu cũng kiến nghị Sở TN-MT sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về giá cho thuê mặt nước biển trong nuôi trồng thủy sản để địa phương áp dụng. Địa phương cũng kiến nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm, kiểm soát dịch bệnh và cảnh báo môi trường.
Theo ông Nguyễn Minh Phát, để quản lý tốt hơn nguồn giống tôm hùm, đề nghị Cục Thú y căn cứ vào quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ NN-PTNT mà cho phép nhập khẩu tôm hùm giống về các địa phương đúng nhu cầu con giống hàng năm theo quy hoạch. Cục Thú y cần rà soát, chấn chỉnh công tác giám sát cách ly kiểm dịch giống tôm hùm nhập khẩu theo đúng quy định…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế