Có nhiều nguyên nhân và Tiến sỹ Trần Hữu Lộc (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản Minh Phú Aquamekong) phân tích việc quản lý chi phí sản xuất để giảm giá thành tôm thẻ chân trắng, sau khi so sánh với Ecuador và Ấn Độ, xin giới thiệu sau đây.
Các chiến lược chính giải thích sự thành công của Ecuador
Phân tích của Tiến sỹ Trần Hữu Lộc, thành công của Ecuador trước hết nhờ hợp nhất chuỗi giá trị sản xuất từ di truyền, trại giống, trang trại doanh nghiệp, nhà máy thức ăn chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu. Sự hợp nhất tạo ra khả năng cao trong mở rộng sản xuất, mở rộng công nghệ. Bên cạnh là lợi thế kinh tế ở quy mô trang trại lớn. Những điều kiện đó cho hiệu quả cao việc sử dụng nước, sử dụng đất, sử dụng năng lượng. Trong khi mật độ thả nuôi thấp nên tôm có khả năng tự thanh lọc, ít dịch bệnh, phát triển bền vững.
Tiến sỹ Lộc đưa ra bảng tổng quan về ngành tôm thẻ chân trắng ở Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó cho biết, sản lượng/ha/năm của Việt Nam cao nhất với 10-30 tấn, trong lúc Ấn Độ và Ecuador chỉ 7-10 tấn; do mật độ thả giống ở Việt Nam tới 120-500 con/m2, còn Ấn Độ chỉ 30-50 con/m2 và Ecuador thấp nhất với 12-17 con/m2.
Quốc gia | Ecuador | India | Vietnam |
Loại ao | Ao đất 1/5 ha | Ao đất 0.3-1 ha | Ao bạt 0.05-0.2 ha |
Mật độ thả giống | 12-17 con/m2 | 30-50 con/m2 | 120-500 con/m2 |
Di truyền tôm bố mẹ | Tự chọn giống | SPF | SPF |
Số vụ nuôi/năm | 3-3.5 | 2 | 2-4 |
Sản lượng/ha/năm | 7-10 tấn | 7-10 tấn | 10-30 tấn |
Những thách thức | Rất ít | EHP, white feces, Vibriosis, IMNV? | EHP, white feces, EMS, Vibriosis, nitrite |
Chi phí sản xuất/kg (50 con/kg) | 2.2-2.4 USD/kg | ~2.7-3.0 USD/kg | ~3.5-4.2 USD/kg |
Về diện tích ao nuôi thì ngược lại, ở Việt Nam với ao bạt chỉ 0,05-0,2 ha, ở Ấn Độ ao đất 0,3-1 ha, còn Ecuador ao đất 1-5 ha. Tôm nuôi ở Ecuador gặp ít thách thức nhất và kết quả chi phí sản xuất cũng thấp nhất, tính cho loại tôm 50 con/kg ở Ecuador chỉ 2,2-2,4 USD/kg, Ấn Độ khoảng 2,7-3,0 USD/kg, còn Việt Nam khoảng 3,5-4,2 USD/kg.
Thực trạng sản xuất tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam
Việc nuôi tôm thẻ ở Việt Nam thời gian qua có đặc điểm chuyển đổi nhanh sang ao lót bạt HDPE, theo Tiến sỹ Lộc, ước tính sản xuất hơn 50% là từ các ao lót bạt. Canh tác chính ở vùng ĐBSCL. Điều kiện trang trại: Hoàn toàn an toàn sinh học, xử lý nước tốt (lọc, KMnO4, Chlorine), nhiều giai đoạn. Sử dụng thức ăn chất lượng cao hơn 40% protein, thức ăn đặc biệt cho ương/dèo, thức ăn chức năng, thức ăn tăng trọng.
Nhưng đang đối diện nhiều thách thức. Đó là bệnh EHP, phân trắng, EMS, Vibriosis. Chi phí biến đổi cao về thức ăn, men vi sinh, năng lượng, hóa chất, lao động, lãi suất ngân hàng. Chi phí cố định cũng cao ở khấu hao, vận hành, chi phí đất đai, lãi suất. Còn có vấn đề về khả năng mở rộng. Bên cạnh là sự tích tụ Nitrite.
Cụ thể về chi phí biến đổi cao, Tiến sỹ Lộc tính ra, thức ăn khoảng 1,5-1,7 USD/kg giá bán lẻ và mua trực tiếp bằng tiền mặt với giá 1,1-1,2 USD/kg. Hóa chất đầu vào cũng cao. Đồng thời khi thiết kế ao phức tạp đã làm tăng chi phí khấu hao.
Giải pháp giảm chi phí sản xuất
Theo Tiến sỹ Lộc, muốn giảm chi phí thuốc&hoá chất đầu vào thì cần thiết kế hệ thống nuôi hợp lý, giảm mật độ nuôi để giảm lượng nước thay và quản lý stress. Để giảm chi phí lao động cần thiết kế trang trại đơn giản hơn với khả năng mở rộng và tự động hóa tốt hơn. Để giảm chi cố định, giảm chi phí khấu hao cũng cần thiết kế đơn giản hơn với các chi tiết có khấu hao dài. Bởi lẽ, thiết kế ao phức tạp sẽ tăng chi phí nhân công, tăng chi phí khấu hao.
Tóm lại: Thiết kế trang trại đơn giản sẽ rút ngắn được chuỗi cung ứng, mật độ thả giống thấp thì chương trình quản lý rủi ro/bệnh tật tốt hơn, tăng khả năng quản lý stress, tăng cả khả năng mở rộng sản xuất.
Thiết kế trang trại mới, vận hành và quản lý rủi ro của Tập đoàn Minh Phú
Để giảm chi phí sản xuất còn cần quan tâm giải pháp giảm chi phí đầu tư cố định cho vùng nuôi. Giảm bằng cách quy hoạch những vùng nuôi tập trung lớn có kênh cấp nước riêng, có kênh thoát nước riêng và có cơ sở hạ tầng giao thông/điện/nước hoàn chỉnh.
Đặc biệt cần chuyển từ các phương pháp nuôi tôm tốn nhiều chi phí để tối đa hóa sản lượng, sang phương pháp đạt sản lượng ổn định đồng thời tối ưu hóa chi phí lưu động. Chú trọng nuôi tôm có khả năng chống chịu tốt, nuôi tôm bền vững, vừa sức tải của môi trường.
Tiến sỹ Lộc kết luận: “Các giải pháp trên là tất yếu để giải quyết vấn đề giá thành nuôi tôm ở Việt Nam và để đạt được mục tiêu đề ra thì phải có sự đồng lòng, hợp tác, quyết tâm cao của người nuôi tôm, của doanh nghiệp, của chính quyền địa phương và Chính phủ”.